Tiêu biểu như mô hình trồng khoai môn của chị Trần Thị Liên, ấp Nà Lớn, xã Lâm Hải (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đã góp phần tạo bước tiến mới trong việc trồng màu cho chị em trên địa bàn xã nói riêng và huyện Năm Căn nói chung.
Với 2ha đất nông nghiệp, gia đình chị Liên chỉ nuôi tôm, cua kết hợp, nhưng thu nhập không cao. Sau khi nhận thấy việc bỏ đất bờ vuông cho cỏ mọc hoang là rất phí, gia đình đã bắt tay vào cải tạo bờ bao vuông tôm để trồng rau màu.
Ban đầu chị chỉ trồng các loại cây ngắn ngày, thu hoạch nhanh và thời gian lưu trữ không được lâu như: Rau cải, dưa leo, bầu, bí, đu đủ,…
Từ năm 2017, gia đình chị thử trồng khoai môn xen canh với các loại cây trên, thấy được khoai môn là loại dễ trồng và đở nhọc công chăm sóc.
Đối với loại cây khoai môn này chỉ cần đất tơi xốp, nhiều mùn, sạch cỏ, do đó gia đình chị đã chọn những bờ vuông màu mỡ, tơi xốp, có độ ẩm để trồng.
Sau khi trồng, chăm sóc tầm 6 tháng có thể tiến hành thu hoạch khoai môn, khi thấy cây khoai đã héo rũ, các tàu lá lụi dần, đất ở gốc nứt nẻ nhiều thì bắt đầu dỡ khoai nhẹ nhàng, tránh xây xước, dập nát.
Chị Liên cho biết khoai môn sau khi thu hoạch, từng loại củ sẽ cho giá thành khác nhau, do đó củ sẽ được phân loại theo kích cỡ để bán và để làm giống cho vụ sau.
Chị Trần Thị Liên, ấp Nà Lớn, xã Lâm Hải chia sẻ: “Đối với khoai môn có thể bán ra tới hai, ba loại. Như củ cái bự, củ dáo tròn, củ dáo dài đều được bán theo giá khác nhau Ví dụ như củ cái loại 300gr trở lên là bán 20.000/kg, còn loại 200 – 250gr thì 18.000/kg,… Chở khoai môn ra đến sạp đồ tươi là người ta tự phân loại ra hết. Đối với loại khoai này, nếu chở ra không hết thì một hai ngày sau bán cũng được còn đồ tươi bán không được là một, hai ngày sẽ bị hư”.
Ba năm trước, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình chị chỉ trồng 1.000 gốc khoai môn xen kẽ với các loại cây trồng khác.
Nhận thấy trồng khoai môn là mô hình vừa tiện chăm sóc vừa mang lại giá trị kinh tế cao hơn so các loại rau màu khác. Củ khoai môn vừa thơm, ngon lại có giá trị dinh dưỡng và được nhiều người ưa thích.
Năm nay, gia đình chị Liên đã mạnh dạn đầu tư và cho xuống giống 4.000 gốc khoai môn. Hiện tại, những gốc khoai môn của gia đình chị đã bắt đầu có củ và phát triển tốt.
Theo như dự tính của chị, 4.000 gốc môn sau khi thu hoạch sẽ đạt từ 6 – 7 tấn củ và cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Gắn bó với mô hình trồng khoai môn được 3 năm, nhờ có tinh thần vượt khó và siêng năng trong lao động chị Trần Thị Liên đã có cuộc sống ổn định. Chị chia sẻ việc làm nương rẫy tuy vất vã nhưng nhìn những gốc môn đang phát triển tốt và sắp tới ngày thu hoạch thì mọi mệt nhọc đều tan biến.
Nói về dự định thời gian tới chị Liên chia sẻ thêm: “Sau khi thu hoạch khoai môn, chổ nào trồng dưa hấu thì sẽ xuống giống, chổ nào không trồng dưa hấu thì đào mương lại cho ráo phèn, để xuống giống khoai môn.
Nếu đợi mưa xuống mới đào mương thì đất sẽ bị phèn, cây khoai môn không sống được. Sau đó làm cỏ rồi vun gốc, vun gốc cũng phải hai, ba lần cây môn mới tốt. Trước đây, bờ này giống như mương phèn vậy, nhờ đào đất, làm cỏ rồi vun gốc mấy lần mới được như bây giờ”.
Trồng khoai môn trên bờ vuông tôm sẽ là mô hình điểm để nhân rộng cho các hội viên khác có diện tích đất mà không có điều kiện trồng.
"Chị Liên sẽ chia sẻ kinh nghiệm lại để các chị em hội viên tận dụng diện tích đất trống trên bờ bao vuông tôm thực hiện mô hình trồng khoai môn, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình” Chị Lê Thúy An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lâm Hải cho biết.
Tận dụng đất bờ vuông nuôi tôm để trồng khoai môn đã giúp cho gia đình chị Liên có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế và vươn lên ổn định cuộc sống.
Đây được xem là một hướng đi mới cho việc đa dạng hóa cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Do đó, xã Lâm Hải (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cần tuyên truyền, vận động người dân tìm hiểu, học hỏi và mạnh dạn đầu tư cây giống cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nhân rộng các mô hình này để góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.