Dân Việt

Mặn đắng đời diêm dân (Kỳ 1): Sống nghèo trên kho “vàng trắng”

Bùi Phụ - Quang Đăng 14/06/2021 13:00 GMT+7
Một ngày cuối tháng 5/2021, chúng tôi tìm đến cánh đồng muối thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Đây là cánh đồng muối nền đất do diêm dân làm theo phương thức truyền thống lớn nhất của huyện Ninh Hải.

LTS: Vào những thập niên năm 1980, bộ phim cổ tích "Muối quý hơn vàng" (của Tiệp Khắc, phỏng theo truyện cổ cùng tên của nhà văn Pavol Dobšinský (1828 - 1885) đã khiến cho người xem ở Việt Nam rơi lệ khi xem cảnh tượng thiếu thốn của vương quốc nọ trong một ngày tất cả muối đều biến thành vàng. Câu cửa miệng: "Muối quý hơn vàng" của các bà nội trợ cũng bắt đầu từ thuở ấy. Còn thực tế đời sống diêm dân hiện ra sao khi làm ra những hạt muối mặn được ví như những "hạt vàng" này…?

Giá 1 tạ muối = 1 bát phở

Khi chúng tôi đến, gặp lúc cảnh trời mây xám xịt, báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đổ xuống vùng này. Ngồi bó gối trong chòi canh thấp tè, chỉ cao hơn 1m bên ruộng muối vừa lấy nước, diêm dân Nguyễn Văn Hòa (SN 1975) buồn giọng: "Năm nay ông trời "dở chứng", không thương diêm dân nghèo nên mấy ngày qua mưa sớm khiến bà con ngậm nước đắng! Giá muối đã thấp còn gặp mưa kiểu này, vợ chồng tôi không biết xoay sở ở đâu ra tiền cho thằng con trai làm lộ phí vào Sài Gòn thi đại học sắp tới…".

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 1): Sống nghèo trên kho “vàng trắng”  - Ảnh 1.

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 1): Sống nghèo trên kho “vàng trắng”  - Ảnh 2.

Diêm dân Nguyễn Văn Hòa (1975) ngồi âu lo bên ruộng muối và đôi bàn tay chai sạn như đá. (Ảnh Bùi Phụ)

Theo số liệu thống kê, tỉnh Ninh Thuận có hơn 3.200ha đất làm muối, trong đó gần 600ha muối nền đất (còn gọi là muối ăn, muối diêm dân) phần còn lại muối công nghiệp. Sản lượng muối của Ninh Thuận chiếm khoảng 50% tổng sản lượng muối cả nước. Huyện Ninh Hải có 674 hộ làm muối nền đất với diện tích khoảng 590ha lớn nhất Ninh Thuận.

Gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa đã làm muối hơn 20 năm qua, tài sản tích lũy đến hôm nay là 2 đứa con, trong đó đứa con trai chuẩn bị vào TP.HCM thi đại học ngành nông nghiệp.

"Diêm dân khổ lắm, nhưng vẫn may hơn người khác vì có căn nhà cấp 4 do cha mẹ để lại cho vợ chồng tôi ở chứ không biết lấy tiền đâu xây nhà vì bán muối được đồng nào, mua gạo đồng ấy…"- anh Hòa thổ lộ.

Đang làm thuê trên ruộng muối gần đó nhưng do trời mưa nên chị Nguyễn Thị Bích Ngọc chạy tạt vào căn chòi nhỏ của anh Hòa tránh mưa. Nhìn cảnh trời mưa đổ xuống cánh đồng muối, chị Ngọc cũng buồn hiu!

Ngồi co ro trong góc chòi, chị Ngọc kể lại cảnh 2 vợ chồng chị đã có hơn 17 năm làm thuê trên ruộng muối để nuôi 2 con ăn học, đứa lớn lớp 11, đứa nhỏ lớp 9. "Có nhiều lúc khó khăn quá tôi nói với đứa con gái, thôi nghỉ học phụ cha mẹ kiếm thêm tiền nuôi em mỗi mình em đi học thôi nhen con. Nhưng mỗi lần như thế, con gái tôi khóc đến bỏ ăn. Thấy con ham học, vợ chồng tôi không đành lòng nên cố gắng làm thuê ngày nào hay ngày đó…".

Cũng như anh Hòa, chị Ngọc đều mơ ước chỉ cần giá muối nhỉnh lên một tí là bà con sống được. Chứ giá muối hiện tại chỉ 400.000 đồng/tấn bán tại ruộng bà con diêm dân sống rất khó khăn.

Chính vì thu nhập thấp, nên nhiều năm qua, gia đình anh Hòa và gia đình chị Ngọc không dám đi du lịch tỉnh bạn lần nào, dù Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ cách Phan Rang - Tháp Chàm và cánh đồng muối Khánh Nhơn chỉ hơn 100km.

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 1): Sống nghèo trên kho “vàng trắng”  - Ảnh 4.

Diêm dân Nguyễn Thị Bích Ngọc trong một buổi đi làm thuê trên cánh đồng muối Khánh Nhơn. (Ảnh: Quang Đăng)

Ông Nguyễn Hữu Khiêm, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cho biết, giá muối năm nay so với năm trước đã giảm hơn 100 đồng/kg muối nền đất khiến diêm dân khó khăn.

Cơ cực như diêm dân

Theo các hộ dân làm muối kỳ cựu ở huyện Ninh Hải, thời điểm năm 1997 - 1998, giá muối nền đất cao đỉnh điểm khoảng 1,2 triệu/tấn nên đời sống bà con diêm dân vùng này và tỉnh Ninh Thuận rất khấm khá, sung túc. Sau đó, muối tụt giá không phanh và những tháng đầu năm năm 2021 giá rất thấp, chỉ khoảng 400.000 đồng/tấn.

Hiện tại, gia đình anh Hòa vừa làm thuê, vừa làm chủ trên 8 sào đất làm muối (mỗi sào 1.000m2). Chủ đất đầu tư tất cả các trang thiết bị như: Máy bơm, đường ống nước, điện… Vợ chồng anh Hòa và đứa con bỏ công. Khi muối thu hoạch, nếu bán giá 400.000 đồng/tấn thì anh Hòa hưởng 180.000 đồng/tấn, phần còn lại chủ đất hưởng. Theo nhẩm tính của anh Hòa, nếu trời nắng, trung bình mỗi tháng thu hoạch muối 3 đợt. Với 8 sào đất, trung bình mỗi đợt thu 18 tấn muối, gia đình anh Hòa hưởng khoảng 2,9 triệu đồng. Nếu nhân 3 đợt thì tổng số tiền thu khoảng 8,7 triệu đồng/tháng.

Mô hình làm thuê như anh Hòa, hiện diễn ra phổ biến ở những cánh đồng muối huyện Ninh Hải, bởi việc này giống như lấy công làm lời. Nhưng để có được số tiền này, vợ chồng anh Hòa và người con lớn (3 người) phải ra đồng từ sáng sớm đến tối mịt. Suốt ngày chỉ biết bán mặt cho đất và nước mặn, bán lưng cho trời dưới nắng nóng đến khô người. Chính vì lao động cực nhọc, nhìn anh Hòa ai cũng nói già nua trước tuổi dù năm nay anh mới 46 tuổi. Chạm vào hai bàn tay chai sạn của anh Hòa do cầm cuốc, xẻng khi cào muối, tôi cứ ngỡ mình vừa chạm vào cục đá thạch anh!

Một ngày theo chân vợ chồng anh Hòa lao động cực nhọc trên ruộng muối, tôi muốn kiệt sức vì nắng nóng buổi trưa gần 40 độ C. Nhưng nếu buổi chiều trời mưa, xem như công lao động cực nhọc cả ngày trôi theo dòng nước mặn ra biển cả…

Nghịch lý, ở Ninh Thuận mưa ít nhất nước, nên nông dân làm nông nghiệp cây trồng và chăn nuôi lại cầu trời mưa nhiều. Còn diêm dân thì ngược lại chắp tay lạy trời nắng lên!

(Còn nữa)