Diệu Linh
Thứ hai, ngày 14/06/2021 10:07 AM (GMT+7)
Hiện cả nước đang có gần 35.000 người phải cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 và số lượng này tăng thêm hàng nghìn ca mỗi ngày. Điều này đang gây áp lực cho ngành y tế và chính quyền địa phương về cả nhân lực và kinh tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến hết ngày 12/6, thành phố có 1.030 ca Covid-19, trong đó, 788 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ hơn 76%), 238 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây trong khu cách ly của Vietnam Airline.
Tổng số người đang phải thực hiện cách ly y tế là gần 31.000 người, trong đó gần 11.000 người đang cách ly tập trung, gần 20.000 người đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Hiện nay, mỗi ngày, TP.HCM đang có thêm xấp xỉ 100 ca Covid-19, kéo theo hàng trăm người phải cách ly tập trung.
Vừa cách ly vừa sản xuất
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: "Trong tình hình dịch Covid-19 đã thay đổi, số ca mắc tăng cao so với các đợt dịch trước, kéo theo đó là các trường hợp tiếp xúc gần cũng vượt lên mức kỷ lục, điều này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi trong cách quản lý, cách ly y tế. Nếu tiếp tục cách ly tập trung các F1 thì chúng ta sẽ phải tiếp tục mở rộng quy mô khu cách ly tập trung, nếu như số ca mắc lên đến hàng nghìn ca, hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Điều này dẫn đến những gánh nặng cực kỳ lớn và không phải lựa chọn khôn ngoan nhất".
Cùng với hướng dẫn về cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế cũng hướng dẫn tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội, vùng phong tỏa, Bắc Ninh, Bắc Giang được áp dụng thí điểm cho phép người dân được tiếp tục lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản tại vườn, vùng sản xuất của địa phương. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, như: Chỉ được phép làm việc theo nhóm từng hộ gia đình; không được tiếp xúc giữa các hộ gia đình với nhau; bắt buộc phải sử dụng khẩu trang và thường xuyên sử dụng dung dịch sát khuẩn. Nếu có sử dụng máy móc trung thì phải khử khuẩn máy trước khi bàn giao, không được tiếp xúc gần khi bàn giao...
Thứ trưởng Tuyên cũng nhấn mạnh, việc áp dụng cách ly tại nhà với các F1 không thể đại trà, mà cần được phân loại rất kỹ. "Những người tiếp xúc rất gần và có nguy cơ cao vẫn phải cách ly tập trung. Chỉ người tiếp xúc ở khoảng cách xa với ca F0 mới có thể được cách ly tại nhà"- theo ông Tuyên.
Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất để cách ly tại nhà cũng phải đảm bảo, như: Gia đình có phòng riêng, thoáng và điều kiện vệ sinh riêng biệt; quá trình cách ly F1 không tiếp xúc các thành viên khác trong gia đình; tuyệt đối không ra ngoài; thực hiện theo dõi thân nhiệt ngày 2 lần và lấy mẫu xét nghiệm như trong khu cách ly tập trung.
Người cách ly tại nhà phải ký cam kết thực hiện các biện pháp như cách ly ở điểm tập trung và nếu vi phạm khi cách ly tại nhà, sẽ bị xử lý nghiêm. Quá trình cách ly F1 tại nhà, chính quyền cũng phải cử người giám sát, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và đảm bảo đủ thời gian cách ly như cách ly tập trung.
Diệu Linh
Trước đó, từ ngày 28/5, TP.HCM đã tiến hành mở 2 khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh và khu A5, A6 thuộc ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM với sức chứa khoảng 6.600 người. Tuy nhiên, với diễn biến dịch lan nhanh như hiện nay, 2 khu cách ly này đã quá tải. Hiện TP.HCM đang mở rộng các khu cách ly tại các quận, huyện.
Tại buổi họp báo chiều 11/6, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố cũng đang suy nghĩ về việc cho các trường hợp F1 cách ly tại nhà. Theo ông Hưng, cách ly tại nhà có ưu điểm là người cách ly cảm thấy thoải mái, đỡ phiền phức hơn, đồng thời cũng đỡ gánh nặng về nhân lực, cơ sở vật chất.
"Tuy nhiên, việc khó nhất của cách ly tại nhà đó là liệu rằng chúng ta có giám sát được sự tuân thủ của họ hay không. Tất nhiên, theo quy định thì lực lượng chức năng phải giám sát việc này nhưng việc tiếp xúc trong nhà rất khó giám sát. Ngành y tế sẽ đánh giá, nếu nhà đó có đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu không phải cách ly tập trung"- ông Hưng cho biết.
Ông Hưng cũng cho biết thêm, Sở Y tế TP.HCM đang suy nghĩ các biện pháp để kiểm soát được sự lây nhiễm dịch Covid-19 khi cách ly tại nhà và sự tuân thủ, trong đó sẽ ứng dụng công nghệ để có thể kiểm soát được sự tuân thủ, tiếp xúc trong khuôn khổ quy định pháp luật. "Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với Sở KHCN ứng dụng công nghệ để kiểm soát sự tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid-19 khi triển khai cách ly F1 tại nhà"- ông Hưng nói.
Cách ly tập trung tại chỗ
Trước đó, chia sẻ với đại diện Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cách ly chống dịch là đặc trưng, đồng thời là bài học kinh nghiệm trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
"Một trong những bài học thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch là cách ly tập trung. Đối với đợt dịch này, chủng virus Delta có tính chất lây lan nhanh, tất cả các thành viên trong gia đình (bao gồm cả người cao tuổi có bệnh mãn tính) có thể đều bị lây nhiễm nếu như có nguồn lây trong gia đình. Do đó, Việt Nam chọn cách ly tập trung để ngăn chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng" - Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, tùy từng vùng dịch, Bộ Y tế đã có các điều chỉnh thích hợp.
Tại Bắc Giang khi dịch bùng phát rộng, tỉnh Bắc Giang và Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế gặp phải vấn đề nan giải, khi quy mô lây lan dịch bệnh tại địa phương diễn ra nhanh trên diện rộng, xuất hiện số lượng lớn ca mắc ở nhiều ổ dịch. Đặc biệt do dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên số lượng công nhân có liên quan dịch tễ tại ổ dịch quá lớn, lên tới vài chục nghìn người, dẫn tới thực tế là không thể tổ chức cách ly tập trung hết được những người này.
Để ứng phó tình huống cấp bách trên, các chuyên gia của Bộ Y tế thuộc tổ điều tra, giám sát dịch tễ do PGS - TS Trần Như Dương đứng đầu, đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng phong tỏa ngay các khu dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao như: Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biểu... và đưa thiết chế cách ly tập trung vào những khu vực này để thiết lập mô hình khu cách ly y tế tập trung tại chỗ. Các khu cách ly này có sự giám sát của nhiều lực lượng quân đội, công an, y tế và hệ thống camera giám sát được lắp đồng loạt. Ở các dân cư được cách ly này yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt việc nội bất xuất, ngoại bất nhập không cho nguồn lây có cơ hội thoát ra ngoài để lây lan sang các địa phương khác.
"Một trong những bài học thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch là cách ly tập trung. Đối với đợt dịch này, chủng virus Delta có tính chất lây lan nhanh, tất cả các thành viên trong gia đình (bao gồm cả người cao tuổi có bệnh mãn tính) có thể đều bị lây nhiễm nếu như có nguồn lây trong gia đình".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Ngoài ra, việc cách ly còn được thực hiện quyết liệt hơn với 1 vòng nữa là "cách ly tại nhà với từng hộ gia đình ở bên trong ổ dịch". Việc này nhằm ngăn chặn dịch lây lan với nguyên tắc: "Người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không cho ai đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà mình với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài".
Bên cạnh đó, Bắc Giang liên tục cho xét nghiệm nhanh định kỳ 3 ngày/lần với các khu cách ly này, nhằm đưa người nhiễm ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, làm sạch ổ dịch.
Riêng đối với trẻ em, Bộ phận thường trực Bộ Y tế đã có quyết định cho các em là F1 được cách ly tại nhà. Cụ thể, đối với trẻ dưới 5 tuổi, thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp trẻ từ 5 tuổi đến 15 tuổi, thực hiện cách ly y tế tập trung trong 7 ngày. Sau khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-COV-2, cho phép thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng... Về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: "Điều này đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đồng thời đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời gian thực hiện cách ly y tế, giảm tải các cơ sở cách ly cũng như phòng lây nhiễm chéo cho trẻ em".
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.