Không phải vùng chuyên canh lớn, nhưng cây khoai mì vẫn được nhiều nông dân tỉnh Bình Thuận lựa chọn, vì dễ trồng, chịu hạn tốt và ít vốn đầu tư. Cây khoai mì được trồng nhiều nhất ở các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình.
Ông Trần Văn Lý là một trong những hộ dân trồng mì lâu năm ở xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân). Năm 2020, ông Lý trồng 1,5ha mì. Do lượng mưa ít nên năng suất ruộng mì của ông chỉ đạt 26 tấn mì tươi.
Nhưng bù lại, giá mì ở mức cao, từ 2.500-2700 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Lý vẫn có nguồn thu gần 40 triệu đồng.
Có một điểm mà ông Lý lưu ý là năm ngoái khá nhiều ruộng mì trong vùng bị bệnh khảm lá mì, làm sụt giảm năng suất. Ông chọn giống mì KM419 (còn gọi là mì cút) có khả năng kháng bệnh tốt hơn nên ít bị ảnh hưởng hơn.
Đây là yếu tố khiến ông Lý tự tin chọn tiếp các hom mì sạch bệnh từ vụ trước để tiếp tục xuống giống vụ hè thu này.
Ông Trần Anh Chính - Chủ tịch Hội Nông Dân xã Sơn Mỹ - cho biết: những ngày gần đây trời nhiều mưa. Đất có độ ẩm vừa đủ để hom mì phát triển nên nhiều nông dân tranh thủ xuống giống cho kịp thời vụ.
Vụ mì vừa qua, giống mì KM419 cho hiệu quả khá hơn nên được bà con tiếp tục lựa chọn. Toàn xã Sơn Mỹ có hơn 200 ha mì. Cùng với Sơn Mỹ, nhiều địa phương trong huyện Hàm Tân cũng đang tập trung xuống giống mì, với diện tích khá lớn, trên 9.000 ha.
Theo ông Chính, để cây mì sinh trưởng phát triển tốt thì việc lựa chọn nguồn giống chất lượng, sạch bệnh để xuống giống đầu vụ là cực kỳ quan trọng. Các giống mì được khuyến khích trồng tại tỉnh Bình Thuận là KM94, KM98, KM419.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận cho biết, kế hoạch sản xuất mì vụ hè thu năm 2021 toàn tỉnh khoảng 22.380ha. Toàn tỉnh đã xuống giống được gần 8.500ha mì.
Theo TS. Lê Công Hoàng - cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận; Từ năm 2020 đến nay, giá mì tăng cao nên các hộ trồng mì rất phấn khởi. Tuy nhiên giá tăng do nhiều năm qua diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá tăng, khiến năng suất và sản lượng giảm.
TS. Hoàng khuyến cáo bà con lựa chon hom mì sạch bệnh ở các nơi cung cấp giống uy tín, hoặc lựa chọn giống sạch từ vụ trước. Đồng thời tích cực phòng trừ đối tượng bọ phấn trắng. "Đối với mì đầu vụ, khi phát hiện bệnh thì phải nhổ bỏ và tiêu hủy ngay lập tức để tránh lây lan", TS. Hoàng nói.
Tại "thủ phủ" mì Tây Ninh, từ đầu tháng 6/2021 đến nay, các nhà máy thu mua sắn nguyên liệu cao nhất khoảng 3.200 đồng/kg. Giá tinh bột sắn thành phẩm tại Tây Ninh có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào hơn.
Ông Võ Văn Triết - nông dân trồng mì ở huyện Dương Minh Châu - nhận định: Mức giá này vẫn giúp nhiều nông dân có lời. Kể cả mì bị ngập nước, khiến trữ bột giảm sau những cơn mưa lớn vừa qua, vẫn được thu mua 3.000 đồng/kg.
Dù dịch lan rộng làm ảnh hưởng năng suất nhưng khoai mì vẫn được nhiều người tiếp tục lựa chọn. "Nông dân mong ngành chức năng sớm đưa ra giống khoai mì sạch bệnh, cùng biện pháp phòng trừ tổng hợp để giúp người trồng mì đẩy lùi dịch hại" - ông Triết nói.
Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh, 2 đề nghị nêu trên của nông dân trồng mì đã được ngành nông nghiệp tích cực triển khai song hành.
Với giống khoai mì sạch bệnh, 2 giống HN3, HN5 hiện có tính ưu việt nhất. Qua 3 vụ trồng thử nghiệm, tỉ lệ tinh bột đạt 26-27%, năng suất cũ bình quân 35 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Hồng – Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh cho biết, 2 giống này được đánh giá kháng bệnh khảm gần như tuyệt đối.
Trong điều kiện được chăm bón đầy đủ, có thể hy vọng năng suất mì tăng lên 40-45 tấn/ha. Đây là những chỉ tiêu rất đạt yêu cầu.
Nhóm nghiên cứu đã chuyển giao hai giống HN3, HN5 cho một số đơn vị cây trồng ở tỉnh Đồng Nai và một số huyện ở Tây Ninh.
Ông Hồng hi vọng trong vụ mì tới, một số hộ nông dân được chuyển giao giống mới có thể tự gây trồng và tiếp tục đánh giá hiệu quả của chúng.
Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá trên địa bàn Tây Ninh sau 2 năm triển khai cũng đạt được kết quả khả quan.
TS. Trịnh Xuân Hoạt - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) - cho biết, đề tài đã triển khai 3 điểm thí nghiệm tại 3 huyện Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu.
Mỗi điểm được trồng 4 giống KM419, KM140, KM94 và HLS11. Mỗi giống trồng với 2 nghiệm thức, 3 lần lặp lại để theo dõi đánh giá.
Nhóm đã xác định được nguyên nhân gây bệnh và phương thức lan truyền bệnh để đề ra giải pháp phòng trừ tổng hợp hiệu quả nhất.
TS. Hoạt chia sẻ, cùng với việc tìm được giống mới sạch bệnh, việc xây dựng được giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá mì là tiền đề để đưa cây mì ở Tây Ninh thoát khỏi cơn đại dịch trong thời gian tới.