Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, Việt Nam đã có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt.
Hằng năm, số lượng xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc là 3,3 - 3,5 triệu tấn/năm.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc là 2,5 triệu tấn, bằng 76,2% so với cả năm 2020; trong đó, thanh long đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ và đạt 62,18% kế hoạch năm.
Xoài đạt trên 468.000 tấn, tăng 156,87% so với cùng kỳ và đạt 112,33% kế hoạch năm; Dưa hấu đạt trên 290.000 tấn, tăng 131,80% so với cùng kỳ và đạt 127% kế hoạch năm.
Đối với vải, tính đến ngày 13/6/2021, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 51.000 tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và đạt 68% sản lượng xuất khẩu năm 2020.
Để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, đến nay, Bộ NNPTNT đã cấp được 1.703 mã số vùng trồng với diện tích 178.697ha và 1.776 mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm này.
Đối với quả xoài, đến nay đã cấp được 280 mã số vùng trồng với diện tích 34.453 ha; đối với thanh long đã cấp được 252 mã số vùng trồng với diện tích 46.541ha.
Hiện tại, Trung Quốc đang đồng ý xem xét phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và ớt, với điều kiện quả ớt nhập từ Việt Nam sẽ phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả, hoặc phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu; với khoai lang thì toàn bộ vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói được kiểm tra kỹ lưỡng.
Bộ NNPTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương để hoàn tất hồ sơ kỹ thuật để gửi cho phía Trung Quốc.
Cũng theo Bộ NNPTNT, hiện nay, một số mặt hàng nông sản khác đã và sắp vào thời vụ thu hoạch chính vụ.
Cụ thể, thanh long sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn (tăng khoảng 10% so năm 2020). Xoài diện tích khoảng 112.000ha, sản lượng dự kiến khoảng 995.000 tấn, tăng trên 10% so năm 2020.
Khoai lang, diện tích khoảng 110.000 ha; sản lượng 1.399.400 tấn (tăng khoảng 70.000 tấn so với năm 2020). Ớt, diện tích khoảng 46.000 ha, sản lượng khoảng 611.340 tấn.
Theo tính toán, thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, cơ bản không phải là thời gian thu hoạch cây ăn quả (thanh long, mít, xoài…), Bộ NNPTNT đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo người dân thực hiện rải vụ thu hoạch nên nhìn chung giá cây ăn quả bán rất tốt, hầu như không xảy ra hiện tượng thừa ế, giá thấp.
Cuối vụ thu hoạch rải vụ (giữa tháng 5 đầu tháng 6), các loại quả có chất lượng, mẫu mã hạn chế, do vậy giá bán không cao.
Từ tháng 5 - 9 hàng năm là thời gian thu hoạch chính vụ của Việt Nam, cũng là thời gian thu hoạch chính của các nước khác trong khu vực, nên giá thanh long trong nước có giảm và khó tiêu thụ.
Trước tình hình nhiều loại trái cây đang sắp vào vụ, Bộ NNPTNT kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, lấy người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp là động lực; chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp và theo chuỗi liên kết giá trị ngành hàng.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo, xử lý nghiêm các hành vi sai trái, lợi dụng trong hoạt động thông tin, báo chí và trên không gian mạng làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phối hợp và đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, đồng hành và tham gia tích cực của người dân và toàn xã hội trong hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản.
Hiện nay, một số mặt hàng nông sản đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sẽ có hiện tượng ùn ứ trong lưu thông, tiêu thụ nông sản.
"Đề nghị các báo, đài tính toán, cân nhắc thời lượng, dung lượng phù hợp, tránh đưa thông tin bất lợi, làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và tác động xấu đến thị trường xuất khẩu" - Bộ NNPTNT đề nghị trong báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Trung ương.
Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí kịp thời phê phán, lên án các hành vi sai trái, lợi dụng thông tin trên không gian mạng làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta.