Tại sao Trung Quốc thiết lập 14 khu tập kết dành riêng cho vải thiều, nông sản Việt Nam?
Tại sao Trung Quốc thiết lập 14 khu tập kết dành riêng cho vải thiều, nông sản Việt Nam?
Khánh Nguyên
Chủ nhật, ngày 06/06/2021 10:47 AM (GMT+7)
Trung Quốc đã thiết lập 10 khu tập kết trái cây, 4 khu tập kết lương thực tại các cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc để hỗ trợ tập kết các mặt hàng nông sản đang trong thời kỳ cao điểm thu hoạch của Việt Nam, trong đó có vải thiều.
Trung Quốc ưu tiên hỗ trợ tập kết nông sản Việt Nam
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), tại cuộc điện đàm mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi thông quan cho các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung, nhất là những mặt hàng chuẩn bị vào cao điểm thu hoạch như vải, nhãn, xoài,...
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cơ quan chức năng hai nước tại các cửa khẩu xem xét thực hiện một số biện pháp như: Kéo dài thời gian thông quan, mở “luồng xanh”, thực hiện “hẹn giờ thông quan từ xa” 24h/24h…
Nâng cao năng lực thông quan bằng việc khôi phục hoạt động và mở thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu nông sản từ Việt Nam tại các tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn...
“Nông, thủy sản Việt Nam, trong đó có quả vải, đều có chất lượng đảm bảo, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch theo hướng dẫn của các tổ chức quốc tế và của chính Trung Quốc từ khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói đến khâu vận chuyển và xuất khẩu qua biên giới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng một lần nữa đề nghị Trung Quốc miễn kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các mặt hàng đông lạnh của Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý để mở cửa thị trường cho các loại trái cây là thế mạnh của Việt Nam.
Trả lời vấn đề Việt Nam quan tâm, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết phía Trung Quốc rất khuyến khích và sẵn sàng tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản chất lượng cao của Việt Nam.
Hiện nay, để tạo thuận lợi cho quá trình thông quan hàng nông, thủy sản của Việt Nam, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu của Trung Quốc đã đơn giản hóa quy trình thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra đối với các loại trái cây rủi ro thấp trong 9 loại trái cây Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cũng đã thiết lập 10 khu tập kết trái cây, 4 khu tập kết lương thực tại các cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc để hỗ trợ tập kết các mặt hàng nông sản đang trong thời kỳ cao điểm thu hoạch của Việt Nam.
Trong chuyến thị sát cửa khẩu biên giới Việt – Trung tháng 3/2021 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương biên giới phía Trung Quốc tạo thuận lợi tối đa cho thông quan hàng hóa theo đề nghị của phía Việt Nam.
Về đề nghị miễn kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với nông, thủy sản đông lạnh, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc khẳng định biện pháp này được áp dụng chung cho tất cả các nước, chỉ nhằm mục đích phòng chống dịch bệnh và sẽ được điều chỉnh theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 cụ thể tại mỗi nước.
Vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc được ưu tiên "luồng xanh"
Tính đến hết ngày 2/6/2021, theo số liệu do các Sở Công Thương địa phương cung cấp, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 10.068 tấn vải (trong đó xuất khẩu của Bắc Giang đạt 6.145 tấn, Hải Dương đạt 3.961 tấn).
Để tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhất là vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Lào Cai đã tạo “làn xanh”, ưu tiên làm thủ tục thông quan cho các mặt hàng nông sản tươi, trong đó ưu tiên tối đa cho xuất khẩu quả vải thiều và thanh long qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành sang thị trường Trung Quốc.
Bình quân mỗi ngày tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành có từ 240 - 250 xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có từ 70 - 80 xe vải thiều hầu hết đến từ Bắc Giang.
Tính đến ngày 2/6, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành đã làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc gần 9.000 tấn quả vải thiều (trung bình hơn 800 tấn quả vải thiều/ngày) trị giá hơn 5 triệu USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.