Theo cập nhật mới nhất từ Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia, tổng số tiền đóng góp vào Quỹ vaccine Covid-19 tính đến 11h30 ngày 16/6 là 5.536 tỷ đồng, với tổng số 308.811 tổ chức và cá nhân đã tham gia ủng hộ quỹ.
Trong đó, Golf Long Thành đang là đơn vị ủng hộ số tiền lớn nhất với 500 tỷ đồng. Tiếp sau đó, Vingroup đóng góp 480 tỷ đồng (quy đổi 4 triệu liều vaccine); Viettel ủng hộ 450 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác ủng hộ số tiền rất lớn như PVN, EVN, VNPT mỗi đơn vị đóng góp 400 tỷ đồng; SCIC, VRG, ACV, Potrolimex, Vinacomin, Mobiphone đóng góp 200 tỷ đồng... và nhiều đơn vị trong cả nước khác ủng hộ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của Nhân dân trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tuy nhiên, đến giờ vì nhiều lý do khác nhau, người ta vẫn chưa thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn (FDI) như Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd (Bắc Giang), LG Display (Hải Phòng) Cocacola Việt Nam… tham gia đóng góp Quỹ.
Dư luận cho rằng, các doanh nghiệp FDI đang được hưởng lợi bởi những chính sách chống dịch khá hiệu quả của Việt Nam, trước đó họ cũng đã được hưởng khá nhiều ưu đãi từ chính sách vĩ mô, thuế XNK, thuê đất đai. Do vậy, hơn lúc nào hết, cộng đồng DN FDI nên có trách nhiệm chung tay cùng Việt Nam chống dịch.
Trao đổi với Dân Việt xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không nên ràng buộc việc Chính phủ dành nhiều ưu đãi cho DN FDI và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ủng hộ Quỹ vaccine Covid-19 lại với nhau.
Theo bà Lan, những ưu đãi về chính sách đã được áp dụng nhiều năm nay để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ưu đãi đó không hề gắn với cam kết khi Việt Nam khó khăn, dịch bệnh thì DN FDI có trách nhiệm đứng ra ủng hộ.
"Điều quan trọng nhất họ phải thực hiện là làm ăn đàng hoàng, không trốn thuế, chuyển giá như tình trạng lâu nay vẫn diễn ra - dù làm ăn thua lỗ nhưng vẫn liên tục mở rộng quy mô", bà Lan nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, đối với đóng góp cho xã hội, nhìn chung DN FDI có quy mô lớn hoặc công ty đa quốc gia đều có quỹ cho các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội như giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, môi trường.
Đa số những quỹ này đều đã được lên kế hoạch, phê duyệt cụ thể từng khoản ngay từ đầu năm. Ví dụ như năm nay dùng vào việc gì? thế nào? đều được giám sát cụ thể và minh bạch theo hoạch định từ đầu.
"Bởi vậy, nếu bây giờ huy động tài lực từ họ như cách vừa rồi mình lên tiếng thì khó cho họ trong việc thực hiện. Tôi phân tích như vậy để thấy hai việc khác nhau, đừng vì một số DN FDI chưa tham gia hưởng ứng lần này mình lên án họ. Kể cả trường hợp DN FDI có đóng góp nhưng vẫn thực hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế thì mình cũng phải xử lý thật nặng tay", bà Lan cho hay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, từ xưa đến nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn luôn là đơn vị có trách nhiệm tham gia các hoạt động xã hội và trách nhiệm cộng đồng tốt.
Trong sự việc này, có thể do cách tuyên truyền, vận động chưa đủ để giúp cộng đồng DN FDI nắm bắt được hết tính nhân văn của nó. Do vậy, số lượng tham gia hưởng ứng còn chưa nhiều. Nếu chúng ta tìm cách tiếp cận, chia sẻ thông tin cụ thể hơn, sẽ có nhiều cánh tay từ cộng động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia.