Dân Việt

Pù Luông: khách du lịch mê mẩn với ẩm thực đặc trưng này của dân tộc Thái

Hữu Dụng - Hoài Thu 17/06/2021 06:04 GMT+7
Cơm lam ở Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá) là một món ăn giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng và là sự hòa quyện giữa mùi thơm của gạo nếp với hương thơm của ống, giá chuối… tạo nên một hương vị hấp dẫn riêng không nơi nào có được.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây.

Đỉnh Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa là địa danh không quá xa lạ đối với những ai yêu thích du lịch khám phá. Nơi đây không chỉ được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái. Mà còn được biết đến bởi nét văn hóa ẩm thực của cộng đồng người Thái sinh sống tại đây.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 2.

Trước khi làm cơm lam, bà con phải vào rừng chặt nữa về và rửa sạch để chuẩn bị làm cơm. (Ảnh Hữu Dụng).

Bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) là nơi sinh sống của 61 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu đều là người dân tộc Thái, đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 3.

Cơm lam ở Kho Mường được bà con dân tộc người Thái dùng lá chuối để lót, nhờ vậy cơm lam ở đây có mùi thơm đặc trưng. (Ảnh Hữu Dụng).

Trong đó, văn hóa ẩm thực luôn là những món ăn được chế biến công phu từ những nguyên liệu gần gũi có sẵn từ núi rừng, khe suối tại địa phương. Người Thái ở Pù Luông có nhiều món ăn độc đáo, tuy nhiên đặc trưng nhất là món cơm lam. Đây là món ăn truyền thống luôn gắn liền với bữa ăn hàng ngày, những ngày lên nương rẫy hay trong các dịp quan trong, các lễ hội.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 4.

Sau đó, gạo nếp được bỏ vào ống nứa. (Ảnh Hoài Thu).

Theo chị Lò Thị Hoài, người dân tộc Thái (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, trong tiếng Thái chữ lam có nghĩa là nướng, cơm lam là cơm được nướng trên ngọn lửa.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 5.

Gạo nết ở đây được chọn rất kỹ lưỡng, được bà con tự tay deo trồng. (Ảnh Hoài Thu).

Nguồn gốc của cơm lam bắt nguồn từ chuyến đi rừng dài của người đàn ông với túi gạo mang theo, dao goắm và đá đánh lửa, cùng với ống nứa sẵn có trong rừng. Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Thái ở đây vẫn duy trì và giữ gìn món ăn đặc trưng này.

"Cơm lam ở Pù Luông có vị ngon đặc biệt bởi dùng loại gạo nương có hạt to, mẩy, trắng và có mùi thơm. Đây là một món ăn rất giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng, sự hòa quyện giữa mùi thơm của gạo nếp với hương thơm của tre, nứa tiết ra, tạo nên vị ngon hấp dẫn của cơm lam Pù Luông", chị Hoài chia sẻ.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 6.

Trong khi lam cơm cần phải thường xuyên quay ống nứa, để ống không bị cháy và cơm được chín đều. (Ảnh Hoài Thu).

Nguyên liệu chính để làm cơm lam gồm gạo nếp và ống tre, nứa. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Thái ở bản Kho Mường (Pù Luông), để làm được ống cơm lam ngon phải mất nhiều công đoạn.

Đầu tiên, phải chọn ống tre, nứa tươi, không quá non hoặc quá già. Ưu tiên lựa chọn vẫn là những cây có đốt dài, thẳng, không bị sâu, đem về chặt chia ra mỗi đốt thành một ống lam.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 7.

Lam ống nứa khoảng 1h đồng hồ là cơm lam sẽ chín. (Ảnh Hữu Dụng).

Khâu tiếp theo là chọn gạo nếp, đây là khâu rất quan trọng vì nó quyết định độ dẻo, ngon của cơm lam. Muốn cơm ngon phải chọn gạo nương mới gặt và phải đúng loại gạo nương có hạt to, mẩy và có mùi thơm, có thể là nếp trắng hoặc nếp cẩm.

Sau đó, vo gạo cho thật sạch rồi ngâm nước khoảng 30 phút đến 1 tiếng, vớt ra để ráo nước, rồi đổ gạo vào ống nứa đã được lót sẵn lá chuối tươi, đổ nước vào ống cho ngập gạo.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 8.

Đối với đồng bào người Thái ở Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá thì cơm lam được bà con làm trong những dịp lễ tết và để tiếp đãi khách quý đến chơi. (Ảnh Hữu DỤng).

"Không nên nén chặt gạo, mà để cách miệng ống vài cm, khi gạo chín nở sẽ tự bít đầy ống. Sau đó lấy lá chuối hoặc lá dong đậy kín miệng ống để cơm không bị mùi khói và vẫn giữ nguyên được hương vị của nếp mới hòa quyện với mùi thơm của ống lam", chị Hoài tiết lộ thêm.

Có thể nướng ống cơm lam bằng than củi, than tre hoặc rơm trong khoảng một giờ, nhưng nướng với than củi là ngon nhất. Khi cơm sủi thỉnh thoảng nhấc ra dằn mạnh ống xuống đất để gạo dồn xuống phía dưới cho hạt cơm săn chắc. Đến khi nước cạn mới đặt ống nằm ngang và nướng xoay đều.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 9.

Cơm lam ở Kho Mường có một hương vị rất riêng mà những nơi khác không có được. (Ảnh Hoài Thu).

Việc xoay ống nứa liên tục là để ống lam không quá cháy và để hạt gạo chín đều. Đến khi có hơi nước bốc ra từ miệng ống và có mùi thơm của cơm, nắn ống lam thấy mềm tức là cơm lam đã chín.

Khi cơm chín đem chẻ lớp vỏ bên ngoài để lại lớp lá chuối khi ăn mới bóc. Cơm lam có thể chấm với muối vừng hoặc chẳm chéo, hai loại nước chấm này sẽ góp phần tăng thêm độ thơm ngon của cơm lam.

Đến Pù Luông thưởng thức món cơm lam truyền thống dân tộc Thái nơi đây - Ảnh 10.

Nếu du khách đến Kho Mường mà bỏ qua món cơm lam là một điều thiệt thòi. (Ảnh Hữu Dụng).

Trước đây, trong đời sống sinh hoạt, người Thái thường lên nương rẫy làm việc cả ngày mới về nên họ thường mang theo cơm lam đựng trong các ống tre nứa. Theo họ, cơm lam giữ được thời gian lâu không bị hỏng và độ thơm dẻo không bị mất đi. Ngày nay, trong các ngày hội văn hóa của người Thái tại Pù Luông, cơm lam được chọn là món ăn ẩm thực để giới thiệu với các du khách.