Lượng rau màu thực phẩm được nông dân và các đầu mối thu gom cung ứng khoảng 10 – 12 tấn/ngày. Riêng tại cơ sở của ông Hùng thu mua mỗi ngày từ 3 – 4 tấn để cung ứng cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Thạch Phol, ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành chia sẻ, gia đình có 0,3 ha đất trồng lúa xa kênh thủy lợi nội đồng nên lên liếp chuyển sang chuyên trồng rau màu. Nhờ giá ổn định và có xu hướng tăng nên cho lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/vụ, cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, thời gian xâm nhập mặn ngắn, có mưa sớm nên nông dân trong tỉnh đã mở rộng diện tích trồng màu, đạt 31.000 ha, tăng hơn 6.500 ha so với cùng kỳ năm trước và đạt khoảng 60% kế hoạch năm nay.
Đặc biệt, hàng chục nghìn lượt hộ nông dân trong tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa ven triền giồng, gò cao thiếu nước tưới, đất trồng mía để trồng rau màu thực phẩm nên có thu nhập thường xuyên và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, gần tháng nay, nông dân trong huyện không chỉ trồng màu trên đất lúa khó sản xuất mà có hơn 2.000 hộ nông dân ở vùng mía nguyên liệu tại các xã Lưu Nghiệp Anh, An Quãng Hữu, Kim Sơn, Thanh Sơn, Tân Sơn... trồng khoảng 1.500 ha cây màu trên đất mía.
Nhờ việc chuyển đổi này, nông dân không bỏ hoang đất sản xuất, có thu nhập từ 50 – 80 triệu đồng/ha/vụ, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh khuyến cáo nông dân khi mở rộng diện tích trồng màu trên đất lúa nên chủ động những biện pháp, kỹ thuật ứng phó với thời tiết chuyển mùa, nhất là thời tiết mưa lớn bất chợt kéo dài trong vài ngày gây ngập úng làm thiệt hại diện tích cây màu.
Tuy nhiên, để tăng diện tích cây màu nông dân cần đầu tư, thực hành sản xuất theo hướng VietGAP để tạo lợi thế đầu ra cho sản phẩm, tăng lợi nhuận.