Dân Việt

Giải mã bí ẩn hài cốt cô gái ngậm 2 đầu lâu chim trong miệng

Minh Nhật 18/06/2021 08:30 GMT+7
Trong lúc kiểm tra các cổ vật từ các dự án nghiên cứu cũ tại Đại học Warsaw, Tiến sĩ Małgorzata Kot tình cờ bắt gặp một bộ hài cốt với 2 đầu lâu chim mai hoa trong miệng. Người ban đầu tìm thấy bộ hài cốt là Giáo sư Waldemar Chmielewski, người đã lựa chọn không công bố khám phá kỳ lạ này.
Giải mã bí ẩn hài cốt cô gái ngậm 2 đầu lâu chim trong miệng - Ảnh 1.

Hài cốt cô gái được chôn cùng 2 đầu lâu chim trong miệng.

Bộ hài cốt được xác định là của một cô gái trẻ. Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ chỉ ra rằng cô gái này bị suy dinh dưỡng và qua đời vào khoảng giữa năm 1750-1850. Giáo sư Chmielewski đã tìm thấy nó trong hang Tunel Wielki ở miền nam Ba Lan trong cuộc khảo cổ vào năm 1967 và 1968 nhưng không công bố khám phá này.

Việc chôn cất người trong các ngôi mộ nông trong các hang động là một phong tục chôn cất đã có từ ít nhất 4.000 năm trước. Tuy nhiên, châu Âu đã ngừng chôn cất người chết trong các hang động từ thời Trung cổ. Vì vậy, việc tìm thấy cô gái này ở hang Tunel Wielki là điều rất bất thường.

Các nhà nghiên cứu đã viết trong một báo cáo đăng trên tạp chí Praehistorische Zeitschrift của Đức vào ngày 29/5 rằng: "Việc chôn cất trong hang động thường vắng bóng trong các giai đoạn lịch sử của châu Âu. Do đó, việc phát hiện một cô gái được chôn với đầu chim mai hoa trong miệng ở hang Tunel Wielki, là phát hiện phi thường và duy nhất. Trên khắp châu Âu, người ta không tìm được một hài cốt nào khác như vậy.

Giải mã bí ẩn hài cốt cô gái ngậm 2 đầu lâu chim trong miệng - Ảnh 2.

Hang Tunel Wielki nằm trong Vườn Quốc gia Ojców

Đặc biệt hơn, tại sao cô gái trẻ lại bị chôn cùng một đầu lâu chim mai hoa trong miệng và một cái khác bên cạnh má? Cô là ai và ai đã chôn cô? Việc chôn cất như vậy là một nghi lễ thuộc về gia đình hay ẩn giấu một điều gì đó độc ác hơn nhiều? Hiện các nhà nghiên cứu đang cố gắng trả lời những câu hỏi này và hơn thế nữa.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học ở Warsaw đã tiến hành phân tích ADN trên bộ xương trong nhiều năm và mới đây đã tiết lộ nhiều thông tin bất ngờ về cô gái được chôn cùng 2 đầu lâu chim mai hoa trong miệng.

Xét nghiệm di truyền cho thấy đây là hài cốt của một cô gái khoảng 10 - 12 tuổi khi qua đời. Xương của cô có dấu hiệu phát triển chậm, có thể là dấu hiệu của một căn bệnh chuyển hóa. Họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về các chấn thương, cũng như manh mối gì về việc cô gái chết như thế nào. Đồng thời, không có bất kỳ thứ gì, ngoài 2 chiếc đầu chim được đặt trong miệng cô gái được tìm thấy.

Giải mã bí ẩn hài cốt cô gái ngậm 2 đầu lâu chim trong miệng - Ảnh 3.

Vì sao cô gái trẻ lại được chôn cất cùng đầu lâu chim trong miệng?

Các xét nghiệm ADN chỉ ra rằng cô gái có khả năng là người ở một vùng phía bắc Ba Lan, có thể là Phần Lan hoặc Karelia ngày nay. Các nhà nghiên cứu tin rằng, cô gái đến khu vực này cùng với quân đội Phần Lan, những người ủng hộ cuộc xâm lược Ba Lan của Vua Thụy Điển Carl Gustav. 

Các ghi chép lịch sử cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 1655 - 1657, khu vực này bị chiếm đóng bởi một đội quân do vua Gustav của Thụy Điển chỉ huy. Quân đội của ông gồm nhiều binh sĩ đến từ Phần Lan và Karelia. Các ghi chép cho thấy những người lính đó thường mang theo gia đình trong hành trình của mình. Các nhà nghiên cứu viết: "Những người lính, phần lớn ở cấp bậc thấp thường được đi cùng với vợ, tình nhân và đôi khi là cả hầu gái".

Các ghi chép từ thế kỷ 19 cũng cho thấy người Karelia, một khu vực trải dài trên lãnh thổ Nga và Phần Lan ngày nay tin rằng ai đó chết trong rừng thì phải được chôn cất trong rừng chứ không phải trong nghĩa trang. Các nhà nghiên cứu cho rằng về mặt lịch sử, phong tục này xuất hiện bắt nguồn từ quan niệm vũ trụ học của họ.

Những điều này khiến giới chuyên gia cho rằng, cô gái có thể đã đến khu vực xảy ra cuộc chiến tranh trong giai đoan năm 1655 - 1657, sau đó có thể đã chết trong khu rừng, nơi có hang động và được chôn cất tại đây. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn chưa lý giải được tại sao cô gái lại được chôn cất với đầu lâu chim mai hoa trong miệng. Thần thoại Slavic chứa đựng những manh mối để có thể giải mã bí ẩn này.

Theo đó, một loài chim trong thần thoại Slavic có thể là chim mai họa hoặc quạ có khả năng mang lại sự sống hoặc cái chết đến một cơ thể, và linh hồn của người đã khuất sẽ sống lại trong cơ thể trước đó của họ. 

Có nhiều huyền thoại cho rằng loài chim là linh hồn của những con người sa ngã hoặc có thể mang đến một vòng luân hồi. Nhiều nền văn hóa cũng coi chim là biểu tượng của tự do. Đầu lâu chim tượng trưng cho sự tự do của linh hồn khi chết. Có lẽ nào những thân của cô gái trẻ hy vọng việc chôn cất cô cùng đầu lâu chim mai hoa giúp cô sống lại? Hay họ đang cố gắng giải phóng tinh thần của người đã khuất? Những câu hỏi trên đến nay các nhà nghiên cứu vẫn đang đi tìm câu trả lời.