"Thay đổi chóng mặt", đó là cụm từ đại diện sàn thương mại điện tử Postmart của VNPT nói về hành vi của người tiêu dùng đối với giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong vụ vải thiều năm 2021.
Theo đại diện sàn Postmart, sàn thương mại điện tử này đã hình thành được 5 - 6 năm nay nhưng các năm trước, số lượng người truy cập rất ít.
Nhưng mọi chuyện đã khác trong vụ vải thiều năm nay, nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt của các bộ ngành, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, các đoàn thể, chỉ tính từ mùng 1/6 đến nay, đã có 300.000 - 400.000 lượt người mua vải thiều trên sàn của Postmart và Vỏ Sò, mỗi ngày có thể chốt 36.000 - 37.000 đơn; đã có 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều. Vải thiều vừa đưa vào Tây Ninh là hết ngay, thậm chí có thời điểm không đủ nguồn cung.
Tuy nhiên, qua việc triển khai ở Bắc Giang, đại diện Postmart cho rằng, cần có sự đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống logistics để đảm bảo nông sản phân phối tới 63 tỉnh, thành phố với chất lượng tốt nhất.
Đặt câu hỏi về sự thay đổi chóng mặt này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn: Sàn thương mại điện tử của Vỏ Sò và Postmart đã đưa vào vận hành năm thứ 6, nền tảng công nghệ không có gì đột phá, tại sao phải qua sự việc của trái vải thiều mới thay đổi?
"6 năm qua không phát triển là do các anh không nghĩ đến đối tượng là người dân, nếu không có câu chuyện của quả vải thì liệu thương mại điện tử có phát triển chóng mặt như thời gian vừa qua không? Đến mùa vải, Bộ Thông tin và Truyền thông cho đi khảo sát, có đến 90% người được khảo sát chưa ăn vải thiều Bắc Giang đúng nghĩa mà không nghĩ rằng sẽ mua được vải trong vòng 2 ngày" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Từ 100.000 người vào ra sàn thương mại điện tử trong 6 năm tăng lên 6 triệu người trong vòng 1 tháng, tức là tăng 100 lần, trong khi công nghệ, hạ tầng đã có mà không cần nâng cấp, chi phí bỏ ra không lớn, chỉ vài tỷ đồng, đó là sự đầu tư vô cùng hiệu quả" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hy vọng nông dân trồng lúa có thể phối hợp với chuyên gia "bắt bệnh" cây lúa qua điện thoại thông minh, lãnh đạo tỉnh An Giang cam kết, sẽ lo điện thoại thông minh cho nông dân, Bộ NNPTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ về mặt công nghệ, dữ liệu.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, nếu làm được chuyển đổi số thì đó sẽ là một cuộc cách mạng, làm được thì sẽ không để nông dân ở lại phía sau.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khó khăn của nông dân là không bán được sản phẩm, dù bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng nhưng giá nông sản vẫn rất thấp.
Nông dân bán quả chuối trong vườn nhưng không khác gì bán ở bất kỳ đâu, chuối không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có thương hiệu.
Khó khăn vì nông dân đã nghèo nhưng vẫn phải mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà không biết giá, trong khi những sản phẩm khác đổi mới không ngừng thì sản phẩm nông sản nhiều năm không thay đổi, thậm chí có lúc giá còn giảm.
"Một sàn thương mại điện tử sẽ giúp giải quyết cho bà con những khó khăn này bởi sàn sẽ kết nối được nông dân với người tiêu dùng, bà con đưa lên sàn, sản phẩm có xuất xứ, không bị làm giả, khi đó, giá trị của quả chuối không chỉ nằm ở bản thân nó mà còn có giá trị của mảnh đất, của vùng quê nơi trồng ra nó, còn có giá trị được hình thành từ cách chăm sóc của từng gia đình. Khi đó, mỗi một quả chuối sẽ có giá trị riêng, có đời sống riêng, người tiêu dùng mua quả chuối đó, còn mua cả cái nắng cái gió, hương vị của nơi đã sản sinh ra nó" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ví von.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thương mại điện tử sẽ giúp đưa sản phẩm đến từng gia đình, nhiều người ở Cà Mau, Lâm Đồng trước đây chưa bao giờ nghĩ sẽ được ăn quả vải thiều chính hiệu của Bắc Giang vì khó khăn trong vận chuyển, nhưng nay thì khác, ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam cũng có thể được ăn vải thiều sau nhiều nhất 48 giờ.
"Dự kiến, sẽ có 100.000 tấn vải thiều được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử trong vụ này, khởi đầu như vậy sẽ làm niềm tin của người nông dân tăng lên, sau vải là những nông sản khác" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Nông dân gặp khó khăn là không có mạng internet, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc này không có gì phải lo lắng, hiện chỉ còn 2.000 thôn chưa có sóng di động, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo phủ sóng ngay trong năm nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo mỗi một hộ dân nông thôn phải có ít nhất một điện thoại thông minh để truy cập internet, có một đường cáp quang, mục tiêu này trước Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra phải hoàn thành trước năm 2030, nếu có Bộ NNPTNT vào cuộc thì sẽ hoàn thành trước năm 2023.
"Khi đó, hạ tầng viễn thông cho nông thôn Việt Nam thuộc top hàng đầu thế giới" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu một thực tế, bao năm nay, bà con nông dân khó khăn khi hàng nông sản không tăng giá, trong khi các sản phẩm tăng giá từng ngày, thì bà con phải bán bao nhiêu quả chuối mới được một cái Iphone?
"Nếu bà con làm ra sản phẩm có thương hiệu, như cách người Nhật đang làm thì giá có thể khác nhau hàng chục lần, tùy thuộc vào nó là của ai, mảnh đất nào làm ra nó. Việc đưa thương hiệu vào từng sản phẩm là khả thi với công nghệ blockchain" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Khẳng định chuyển đổi số là quá trình học hỏi không ngừng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định 2 bộ sẽ hợp tác để chuyển đổi số trong nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định, sẽ hỗ trợ, giúp đỡ để các hộ nông dân được tiếp cận với công nghệ số, để không ai bỏ lỡ chuyến tàu này.
"Bộ NNPTNT muốn xây dựng một hình ảnh nền nông nghiệp chuyển đổi số, hình ảnh hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam không phải là tay lấm chân bùn nữa mà là những người nông dân thông minh, những người nông dân chuyển đổi số. Bản thân việc này đã tạo ra giá trị cho nông sản Việt Nam rồi" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.