Tại Việt Nam, lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh.
Theo báo cáo thống kê, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất 1 ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động.
Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất 1 lần/tuần.
Một báo cáo về Fintech và ngân hàng số 2025 cũng chỉ ra rằng, giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số.
Còn theo ước tính của Công ty tư vấn YCP Solidiance, tổng giá trị giao dịch thông qua các công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam sẽ chạm mốc 25 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần gấp 3 lần so với mức 9 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.
Đây là "mảnh đất màu mỡ" thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Tổng công ty Viễn thông Mobifone là cái tên mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo thông tin phát đi của Mobifone, tập đoàn này vừa chính thức ra mắt ví điện tử MobiFone Pay, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán, tài chính di động.
Mobifone Pay là ví điện tử do Mobifone thiết kế, phát triển, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên chính chiếc điện thoại của mình một cách dễ dàng, nhanh chóng và an toàn như: nhận và chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán các hóa đơn điện, nước, truyền hình Internet và nhiều tính năng khác.
Trước Mobifone, "ông lớn" viễn thông Viettel và VNPT đều đã cung cấp dịch vụ ví điện tử.
Tính đến 22/4, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán - ví điện tử. Trong đó, 4 tổ chức được cấp phép trong 4 tháng đầu năm.
Theo tìm hiểu, một số doanh nghiệp đã và đang làm đề án gửi Ngân hàng Nhà nước để gia nhập thị trường ví điện tử. Do vậy, nhiều khả năng số ví trên thị trường sẽ còn tiếp tục tăng và cuộc cạnh tranh trên "mảnh đất" đang được xem là "màu mỡ" này.
Một thống kê năm 2020 chỉ ra rằng, trong số khoảng 40 ví điện tử trên thị trường hiện nay có tới trên 90% tổng số giao dịch thanh toán qua 5 ví điện tử lớn trên thị trường.
Riêng 4 ông lớn Momo, ViettelPay, AirPay và ZaloPay, chiếm tới 88% thị phần ví điện tử tại Việt Nam theo kết quả khảo sát của Q&Me công bố cuối năm 2020.
Nhận xét về thị trường ví điện tử năm 2020, báo cáo của Appota cũng đã chỉ ra rằng, nếu như Momo là ví sử dụng phổ biến nhất thì ViettelPay lại đang là ví tăng trưởng mạnh nhất về số lượt tải. Điều này là dễ hiểu khi số lượng lượt tải của Momo cao hơn ViettelPay nên tốc độ tăng trưởng sẽ không thể bằng đại diện của Viettel.
Còn về thói quen sử dụng tại Việt Nam, trong số 3 ví điện tử có lượng người dùng lớn nhất, Momo đang là ví điện tử được nhận biết rộng rãi nhất (94% số người được hỏi đều biết đến Momo), và cũng có số lượng người dùng thường xuyên lớn nhất (61%).
Cả 2 con số này của Momo đều cao hơn hẳn ViettelPay và ZaloPay. Nếu như ViettelPay có mức độ nhận biết khoảng 76% cùng 15% người sử dụng thường xuyên thì 2 con số này của ZaloPay chỉ đạt khoảng 72% và 6%.
Chưa kể, chỉ cần so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong khi Việt Nam chỉ có hơn 97 triệu dân nhưng đã có tới gần 40 ví điện tử của các trung gian thanh toán, chưa kể ví điện tử của các ngân hàng thì Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân nhưng lại chỉ có vài ví điện tử chiếm thị phần chi phối.
Chỉ với những con số thống kê như vậy có thể thấy, cuộc đua trên sân chơi ví điện tử là cuộc cạnh tranh khốc liệt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, áp lực tồn tại đối với các tân binh ví điện tử như Mobifone là không hề nhỏ.
Ngược lại, sự tham gia của các tân binh ví điện tử như Mobifone cũng tạo ra áp lực khiến các ví điện tử đang có chỗ đứng trên thị trường buộc phải đưa ra các biện pháp nhằm níu chân khách hàng.
Nhìn lại thị trường ví điện tử trong những năm gần đây có thể thấy, để có được chỗ đứng trên thị trường các ví điện tử được ví như những "cỗ máy đốt tiền" nhằm lôi kéo khách hàng.
Một thống kê năm 2020 cho thấy, các ví điện tử của Việt Nam phải dùng tới 10 USD cho các chương trình khuyến mãi, tặng tiền... để hút được mỗi một khách hàng hay user sử dụng ví điện tử.
Trên thực tế, không khó để bắt gặp hay nhận được những thông tin khuyến mãi như tặng tiền khi mở ví điện tử, giảm giá vé tàu xe, máy bay khi thanh toán bằng ví hay tặng chiết khấu cho những đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử, các đơn vị kinh doanh kết nối với ví...
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thay vì thu hút càng nhiều người dùng càng tốt, thị trường ví điện tử năm 2021-2022 sẽ là cuộc chiến cạnh tranh thông qua tiện ích, trải nghiệm thanh toán của người dùng và ưu thế sẽ thuộc về ví điện tử nào giữ chân được nhiều người dùng.
"Các ví điện tử hiện nay đều đã cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet… Vì thế, đơn vị nào lựa chọn được tích ích phù hợp hơn với tập khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua khốc liệt này", một chuyên gia công nghệ nhấn mạnh.
Thực tế thời gian vừa qua, các ví điện tử liên tiếp "tân trang" sản phẩm dịch vụ để thu hút người dùng. Đơn cử như Ví MoMo, mới đây đã "khoác áo mới" cho icon "Chuyển tiền", một trong những tính năng được hơn 25 triệu người dùng yêu thích của ví điện tử này.
Đồng thời, MoMo cũng liên tục cải tiến để mang lại nhiều tiện ích hơn nữa cho người dùng như tích hợp theme (hình nền), sticker, câu chúc mẫu... hay chức năng chia tiền, đòi tiền ngay trong tính năng này.
Cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù lĩnh vực này đang phát triển và cạnh tranh khốc liệt, nhưng đến thời điểm hiện tại, chiến lược cạnh tranh bằng cách tăng khuyến mại để lấy thị phần không còn là yếu tố then chốt. Theo đó, doanh nghiệp nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần.
"Ví điện tử dù đến trước hay đến sau nhưng có hệ sinh thái tốt, có lượng khách hàng đủ lớn sẽ làm "chủ" sân chơi ví điện tử. Những ví không có lợi thế có thể sẽ chỉ là… gạch lót đường. Muốn tồn tại, xu hướng mua bán - sáp nhập các ví điện tử sẽ là tất yếu", Giám đốc một ví điện tử cho hay.