Trong báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày rất chi tiết về "sức khoẻ" của các hãng hàng không Việt Nam khi khả năng thanh toán của Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.
Đáng chú ý, tình hình phát triển của Vietnam Airlines đang ở mức cực kỳ báo động với rủi ro đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, các thông tin về hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways, Vietjet lại chỉ được trình bày ngắn gọn "đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không".
Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia có vốn Nhà nước chi phối đến 86%. Do đó, mọi báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính của Vietnam Airlines đều phải công khai minh bạch và chịu sự giám sát cao nhất của các cơ quan quản lý cũng như thị trường. Trong khi các doanh nghiệp hàng không tư nhân thì chỉ chịu trách nhiệm lớn nhất trước cổ đông.
Khi dịch Covid-19 bùng phát Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet đều phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Để duy trì hoạt động các hãng hàng không phải cắt giảm các chi phí, cắt giảm nhân sự, và cầu "cứu" tới cơ quan quản lý nhà nước giảm các loại thuế phí cho ngành hàng không.
Cùng với đó, Vietnam Airlines đã phải tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết…
Những điều chỉnh này đã làm cho hàng nghìn người lao động mất việc. Tính đến ngày 31/12/2020, Vietnam Airlines có 19.690 cán bộ nhân viên, giảm 1.476 người so với ngày đầu năm. Chi phí cho nhân công trong kỳ cũng sụt giảm khoảng 50% so với năm 2019, còn xấp xỉ 4.800 tỷ đồng. Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ hơn 11.000 tỷ đồng.
Năm 2020, mức thù lao chi trả cho lãnh đạo và người lao động của Vietnam Airlines được thông qua tại Đại hội cổ đông tháng 8/2020 của Vietnam Airlines với phương án thu nhập bình quân của đội ngũ phi công năm ngoái là 77 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 52% so với thực hiện năm 2019.
Thu nhập bình quân của tiếp viên và lao động mặt đất lần lượt là 13,8 và 14 triệu đồng/tháng, chưa bằng một nửa năm 2019. Tổng số lao động của Vietnam Airlines thời điểm 31/12/2020 cũng giảm khoảng 1.500 người so với ngày đầu năm.
Mức lương của lãnh đạo chủ chốt gồm các thành viên Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát của Vietnam Airlines giảm tới 50% so với năm 2019, đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Trong quý 1/2021 Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến Vietnam Airlines lỗ gộp 3.869 tỷ đồng, trong khi quý 1/2020 chỉ lỗ 632 tỷ đồng. Kết quả là Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 4.890 tỷ đồng trong quý 1/2021, đánh dấu quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay.
Vietnam Airlines thua lỗ vì tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là vận chuyển hành khách và hàng hóa, với quy mô đội bay lớn nhất nước (hơn 100 tàu bay) dẫn đến thua lỗ đương nhiên cao hơn các hãng khác.
Thị phần vận chuyển hàng không quốc tế của Vietnam Airlines lớn nhất so với Bamboo Airways và Vietjet (chiếm 65% doanh thu vận chuyển khách quốc tế đi/đến Việt Nam). Do đó, khi đường bay quốc tế đóng cửa, Vietnam Airlines chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Bên cạnh Vietnam Airlines đang khó khăn, thì "sức khoẻ" của các hãng hàng không tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways cũng khó khăn không hề thua kém!.
Cụ thể, Vietjet Air dù lỗ đến 1780 tỉ đồng từ vận chuyển hàng không thì vẫn báo lãi năm 2020 sau thuế là 68 tỉ nhờ ghi nhận cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50% để bù đắp. Tương tự, Bamboo Airways tự công bố khoản doanh thu từ hoạt động tài chính là 4640 tỉ đồng để đưa lợi nhuận sau thuế lên 310 tỉ đồng.
Đáng chú ý, hiện nay, ngành hàng không mới chỉ có Vietnam Airlines và Vietjet Air là hai hãng hàng không niêm yết trên sàn chứng khoán. Do đó, tất cả các thông tin lỗ hay lãi cao ngất trong bối cảnh dịch Covid-19 của Bamboo Airways đều do hãng này tự công bố, khác hoàn toàn với thông tin của Vietnam Airlines hay Vietjet Air.
Như vậy, với việc thua lỗ, cắt giảm các chi phí hoạt động và hàng nghìn người lao động mất việc, có thể thấy rõ những khó khăn mà Vietnam Airlines đang đối diện là chưa từng có trong lịch sử phát triển của hãng bay này.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phân tích: "Là chủ sở hữu nhà nước đang nắm số cổ phần chi phối lên đến 86% tại Vietnam Airlines, Chính phủ phải thực hiện trách nhiệm đối với các khoản đầu tư của mình".
Kể từ khi thành lập đến nay, Vietnam Airlines đều hoạt động có lãi. Giai đoạn 2010 - 2019, hãng này nộp ngân sách nhà nước 44.900 tỷ đồng, trong đó 30.500 tỷ đồng là trong giai đoạn 2015 - 2019 sau cổ phần hóa.
Theo ông Cung, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu ngành, năng lực cạnh tranh tốt. "Một doanh nghiệp tốt trong một ngành quan trọng như vậy, tại sao chủ sở hữu là Chính phủ lại để phá sản hoặc bán đi?
Nếu không có cơ chế tháo gỡ cho các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines nếu phá sản sẽ gây ra một số hệ lụy rất lớn: Mất toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào hãng; các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các chủ nợ yêu cầu Chính phủ trả nợ thay; các ngân hàng thương mại trong nước khó có khả năng thu hồi 8.153,5 tỷ đồng các khoản cho hãng vay; hàng ngàn người lao động mất việc làm, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, xã hội; đất nước mất hãng hàng không quốc gia…
Do vậy, Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ an toàn cho phần vốn của mình, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông khác, người lao động và giữ ổn định hoạt động kinh tế nói chung.