Tin đồn Vietnam Airlines phá sản: Cổ phiếu HVN “đỏ sàn”, nhà đầu tư phản ứng gì?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 17/06/2021 16:52 PM (GMT+7)
Dù tin đồn Vietnam Airlines (HoSE: HVN) sắp phá sản xuất hiện trên các diễn đàn chứng khoán từ đầu phiên giao dịch hôm nay (17/6), nhưng không xảy ra tình trạng bán tháo ở các nhà đầu tư, dù cổ phiếu HVN cũng đã có phiên thứ 2 liên tiếp đỏ sàn…
Bình luận 0

Trên các diễn đàn chứng khoán, topic (chủ đề) Vietnam Airlines (HoSE: HVN) sắp phá sản (!?) nhận được đông đảo ý kiến bình luận. Đa số đều nhận định, không có chuyện "đứa con cưng" Hàng không quốc gia bị phá sản. Nhưng có không ít ý kiến lo cổ phiếu HVN sẽ bị hạn chế giao dịch; thậm chí hủy niêm yết nếu thua lỗ kéo dài - nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tin đồn phá sản, cổ phiếu Vietnam Airlines “đỏ sàn”, nhà đầu tư phản ứng gì? - Ảnh 1.

Vietnam Airlines đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 (Ảnh: Lưu Phan)

Hiện cổ phiếu HVN đang giao dịch ở mức giá 26.900 đồng/CP. Đây là phiên giao dịch thứ 2 liên tiếp cổ phiếu này đỏ sàn.

6 tháng, Vietnam Airlines thua lỗ tới 10.000 tỷ đồng

Thông tin tiêu cực nhất liên quan đến mã chứng khoán HVN trong phiên giao dịch hôm nay, là việc Hãng hàng không quốc gia có thể chịu khoản thua lỗ lên tới 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Vietnam Airlines đã có số lỗ quý 1 ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Tính đến ngày 31/3, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.030 tỷ đồng, lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ. Nếu thua lỗ thêm một quý nữa, nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ âm vốn chủ sở hữu và cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết khỏi HoSE, chuyển xuống giao dịch ở UPCoM.

Trước đó, Vietnam Airlines đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng từ vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay hãng hàng không Quốc gia vẫn chưa tiếp cận được gói cứu trợ này.

Cụ thể, với khoản vay hỗ trợ lãi suất 4.000 tỷ đồng, phía Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết liên quan, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại từ ngày 5/4. Tuy nhiên, đến nay Vietnam Airlines chưa nhận được khoản vay này.

Trong khi đó, với kế hoạch phát hành tăng vốn, Vietnam Airlines đến nay vẫn chưa công bố bản cáo bạch và các nghị quyết HĐQT liên quan, chưa chốt danh sách cổ đông được quyền mua và chưa xác định giá phát hành. Vì vậy, có thể phải mất khá lâu nữa, Vietnam Airlines mới có thể hoàn tất thủ tục chào bán và thu về 8.000 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu.

Tin đồn phá sản, cổ phiếu Vietnam Airlines “đỏ sàn”, nhà đầu tư phản ứng gì? - Ảnh 3.

Hiện cổ đông lớn của Vietnam Airlines vẫn là Nhà nước với hơn 86% vốn (Ảnh: Lưu Phan)

Hiện, cổ đông lớn của Vietnam Airlines vẫn là Nhà nước (Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện quản lý 86,19% vốn), và ANA Holdings Inc. (8, 77% vốn). Còn lại là cổ đông nhỏ lẻ nắm 5,04% vốn.

Trong một báo cáo phân tích mới đây của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), công ty này đã đưa ra dự báo, Vietnam Airlines có thể phát hành 592,5 triệu cổ phiếu HVN mới trong nửa cuối năm 2021 với giá 13.500 đồng/CP. Cổ đông Nhà nước đang sở hữu hơn 86,1% vốn điều lệ sẽ là nhân tố chính tham gia "bơm vốn" cho Vietnam Airlines.

Ai là chủ nợ lớn nhất của Vietnam Airlines?

Theo BCTC được công bố, đến cuối năm 2020, Vietcombank đã cho Vietnam Airlines vay nhiều nhất, với hơn 7.544 tỷ đồng, chiếm 44% tổng nợ vay của hãng hàng không này. Cụ thể, Vietcombank cho Vietnam Airlines vay ngắn hạn với hơn 2.700 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cuối năm 2019; về khoản vay dài hạn, nhà băng này cũng cho Vietnam Airlines vay 4.841 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng vay dài hạn của hãng.

Tin đồn phá sản, cổ phiếu Vietnam Airlines “đỏ sàn”, nhà đầu tư phản ứng gì? - Ảnh 4.

Các ngân hàng cho vay ngắn hạn tại Vietnam Airlines (Ảnh: BCTC doanh nghiệp)

Được biết, Vietcombank là cổ đông lớn thứ 3 của Vietnam Airlines chỉ sau Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (nắm giữ 86,16% vốn điều lệ) và ANA Holdings Inc với tỷ lệ sở hữu khoảng 1,044% vốn điều lệ. Hiện Vietcombank đang nắm giữ 1,04% vốn của Vietnam Airlines.

Chỉ đứng sau Vietcombank, tính đến cuối năm 2020, BIDV đã tài trợ hơn 1.500 tỷ vốn dài hạn cho Vietnam Airlines. Cùng với 1.111 tỷ vay ngắn hạn, tổng dư nợ cho vay của BIDV tại Vietnam Airlines là hơn 2.611 tỷ đồng.

Tin đồn phá sản, cổ phiếu Vietnam Airlines “đỏ sàn”, nhà đầu tư phản ứng gì? - Ảnh 5.

Vay dài hạn tại Vietnam Airlines (Ảnh: BCTC doanh nghiệp)

Ngoài hai ''ông lớn'' trên, một loạt các ngân hàng khác cũng cho Vietnam Airlines vay hàng trăm tỷ đồng, có thể kể đến như: VietinBank cho vay 952 tỷ (ngắn hạn) và 426 tỷ (dài hạn); Techcombank cho vay 850 tỷ (ngắn hạn) và 47 tỷ (dài hạn); Eximbank (832 tỷ); MB cho vay 501 tỷ (dài hạn) và 370 tỷ (ngắn hạn); Ngân hàng liên doanh Việt Nga (303 tỷ), Ngân hàng Indovina (254 tỷ); VIB (171 tỷ),…

Các ngân hàng còn lại gồm SeABank, MSB, và BangkokBank với dư nợ cho vay dao động trong khoảng 110 - 460 tỷ đồng.

Trong khi đó, số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy, đến hết tháng 3/2021 nợ phải trả của Vietnam Airlines đã lên tới 59.550 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với cuối năm 2020. Trong khi ở chiều ngược lại, vốn chủ sở hữu giảm hơn 5.000 tỷ xuống chỉ còn 1.030 tỷ đồng, tương ứng giảm 83%. Đây là hệ quả từ việc phải hạch toán khoản lỗ lên tới gần 14.219 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu giảm nhanh, trong khi nợ phải trả tiếp tục gia tăng kéo tỷ lệ Nợ/Tài sản của Vietnam Airlines tăng vọt từ mức 90,3% hồi đầu năm lên 98,3%. Tức cứ 100 đồng vốn của hãng hàng không này thì có tới hơn 98 đồng đi vay, mức đòn bẩy tài chính cực kỳ cao.

Lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 6.379 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 8.819 tỷ đồng. Trong năm, Vietnam Airlines chi ra hơn 3.218 tỷ đồng để trả nợ gốc thuê tài chính và 23.917 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Lỗ cơ bản trên mỗi cổ phiếu HVN tính đến hết năm 2020 lên tới 7.646 đồng.

Tính tới ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.967 tỷ đồng, giảm 17,6% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa xuống còn 1.647 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng xuống còn 494 tỷ đồng.

Trong khi đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng 72% lên 11.187 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 18.507,55 tỷ đồng xuống còn gần 6.141 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem