Dân Việt

Kể chuyện làng: Chuyện người Mường Ạu Tá

Thanh Tùng 19/06/2021 08:00 GMT+7
Nhắc đến người Mường Ạu Tá, nhiều người tỏ vẻ tò mò bởi cái tên vô cùng lạ lẫm này.

Từ câu chuyện di cư

Khi được nghe những người già kể về cuộc di cư của người Mường Ạu Tá, tôi thường liên tưởng đến bộ phim điện ảnh đình đám Titanic, nhưng khác ở chỗ không có câu chuyện tình yêu lãng mạn, chỉ thấy đó là một thảm kịch của những người dân di cư.

Chuyện của nhiều năm về trước kể rằng: Khi di cư từ phương Bắc về đất Việt, con tàu chở những nhóm người di cư không may gặp nạn. Một số ít những thanh niên may mắn sống sót, nhiều người đã phải bỏ mạng trên chuyến hành trình định mệnh.  

Sau tai nạn đó, mọi thứ đều bị nước nhấn chìm, những người thoát nạn mất đi người thân và tất cả mọi thứ. Từ đó họ sinh sống dựa vào tự nhiên, cùng với một nhóm người bản địa được cho là người Mường, người Thái ở mạn Thanh Hóa giáp với Hòa Bình.

Do là người nhập cư, lại không có tài sản, họ nhanh chóng bị các nhóm người bản địa đàn áp, bóc lộc. Với tình thần quyết không làm nô lệ, họ đã không chịu khuất phục mà kiên trì chuẩn bị lương thực, bè tre để bỏ trốn. 

Cuộc trốn chạy thành công, họ đã lênh đênh trên bè tre nhiều ngày, khi đã hết lương thực họ dạt vào một vùng đất hoang, dựng lều và quyết định sinh sống tại đó. Nơi rừng hoang, núi biếc họ sống nương tựa vào mẹ thiên nhiên, cuộc sống thiếu thốn, nhưng ở đây họ được tự do làm chủ cuộc sống của mình. 

Thế nhưng một ngày nọ, những thợ săn thú rừng của nhà Lang đã phát hiện ra có một nhóm người lạ sinh sống trong vùng đất của họ. Cuộc sống của nhóm người di cư sẽ ra sao sau cuộc gặp mặt của những người xa lạ?

Kể chuyện làng: Chuyện người Mường Ạu Tá - Ảnh 1.

Xóm đá bia của người Mường Ạu Tá. ( Ảnh NVCC)

Vùng đất yên bình họ sinh sống lúc bấy giờ thuộc Mường Bi, vùng đất dưới sự cai quản của Lang Bi (thuộc huyện Tân Lạc – Hòa Bình). Trong chuyến đi săn ấy, nhóm thợ săn không chỉ săn được thú, họ phát hiện một nhóm người lạ đang sinh sống trong vùng đất của mình và đã về thưa chuyện với Lang. 

Lang Bi cho gọi người lớn tuổi nhất trong nhóm người ấy đến hỏi chuyện, sau khi nghe xong câu chuyện của họ, Lang Bi đã quyết định cho họ ở lại Mường Bi, cho làm nhà, dựng bản và chia đất làm đồng áng, ổn định cuộc sống dưới sự cai quản của ông. 

Họ sống hiền lành và chăm chỉ, tuân theo mọi luật lệ phép tắc của Mường Bi, được Lang Bi và những nhóm Mường khác đón nhận, đối xử bình đẳng. Vậy nên những cuộc di cư, trốn chạy không còn tiếp diễn.

Một ngày nọ, Lang Bi cho mời các bô lão của các nhóm sinh sống thuộc Mường Bi đến nhà và cho biết, ông được lệnh triệu tập của triều đình, phải đi xa, không hẹn ngày trở về. Nhưng ông là người đứng đầu, Mường không thể không có Lang, ông không thể vắng mặt quá lâu, chuyến đi cũng không biết lành – dữ ra sao, nên ông cần một người thay ông đi chuyến này. 

Khi tất cả mọi người đều im lặng, bô lão thuộc nhóm người mới nhập cư đã đứng lên xin đi thay Lang Bi dù không biết lành – dữ, đó như là một cơ hội để báo đáp ơn cưu mang của Lang Bi dành cho nhóm người của họ.

Chuyến ấy, người đi không có tin tức và đúng là không có ngày về… Lang Bi vô cùng cảm kích ông lão nên đã chính thức đặt tên cho nhóm người nhập cư là Mường Ạu Tá (theo tiếng Mường, ạu tá có nghĩa là ông nội). 

Hàng năm mỗi dịp Tết, các nhóm Mường khác sẽ chuẩn bị lễ vật để dâng lên Lang Bi, riêng nhóm người Mường Ạu Tá, Lang Bi nói rằng vì họ mới đến, mọi thứ còn khó khăn, chưa có của cải, tài sản gì. Nên ông chỉ yêu cầu họ dâng lên hai món ăn rất đơn giản, một là lá đu đủ đồ và thứ hai là món rất đặc biệt được làm từ đậu tương mà Mường Ạu Tá gọi là "chẻo tởi".

Kể chuyện làng: Chuyện người Mường Ạu Tá - Ảnh 2.

Món rau đu đủ đồ đặc trưng của người Mường Ạu Tá. ( Ảnh NVCC)

Đến mô hình du lịch cộng đồng của người Mường Ạu Tá

Bước sang thời kì mới, chế độ Lang đạo bị xóa bỏ. Lúc này người Mường Ạu Tá đã tách ra và hình thành nhiều nhóm quần cư khác nhau. Từ đây nhiều câu chuyện huyền bí xung quanh nhóm Mường Ạu Tá được dựng lên và truyền tai nhau, kể từ đó Mường Ạu Tá sống tách biệt hẳn với các nhóm khác. Từ đó, câu chuyện về người Mường Ạu Ta ngày một ít đi, dần dần chỉ còn lại trong kí ức của những vị bô lão lớn tuổi người Mường Ạu Tá.

Theo thời gian, người Mường Ạu Tá đã sinh sôi, phát triển và có mặt ở nhiều địa bàn như: Đà Bắc, Mai Châu – Hòa Bình và các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên… Trước nhiều biến cố và thay đổi của thời cuộc, những giá trị văn hóa của người Mường Ạu Tá dẫn trở nên phai nhạt và chìm vào quên lãng.

Trước thực trạng ấy, mô hình du lịch cộng đồng của xóm Đá Bia (xóm nhỏ của người Mường Ạu Tá) được ra đời. Từ đây, các giá trị văn hóa được nhìn nhận và ứng dụng vào việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Mọi thứ ở đây như được đánh thức, văn hóa được thực hành thường xuyên hơn, các giá trị truyền thống được giữ gìn và phát huy.

Kể chuyện làng: Chuyện người Mường Ạu Tá - Ảnh 3.

Vẻ đẹp cô gái Mường Ạu Tá. ( Ảnh NVCC)

Giờ đây, khi đến với Đà Bắc, du khách có thể thăm quan, trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch, thể thao ngoài trời như: Lội suối, đạp xe, Chèo kayak, đi thuyền thăm hồ... Nét đặc trưng trong ẩm thực của người Mường Ạu Tá: thịt lớn nướng, gà chạy bộ, cá nướng, rau đô... sẽ là những món ăn không quên của mỗi du khách khi nhớ về Đà Bắc. Một chuyến đi thăm Đà Bắc và sinh hoạt cùng người Mường Ạu Tá chắc chắn sẽ làm hài lòng những du khách thích tìm hiểu văn hóa và coi trọng những giá trị tốt đẹp.

Thời gian đã qua đi, những câu chuyện của quá khứ đã chìm sâu và dòng chảy của thời gian nhưng những thói quen, lối sống sinh hoạt và các giá trị văn hóa vẫn luôn tồn tại và âm thầm minh chứng cho câu chuyện văn hóa của người Mường Ạu Tá.