Ngô Khiêm
Thứ tư, ngày 16/06/2021 18:55 PM (GMT+7)
"Làng tôi" – hai từ đầy kiêu hãnh và tự hào ấy luôn nằm sâu thẳm trong trái tim những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở miền quê như tôi mà chỉ chực chờ một hình ảnh gợi nhớ nào đó là nỗi nhớ ấy lại cồn cào, da diết.
Làng tôi có tên là Đại Uyên (xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Lứa thanh niên chúng tôi lại hay gọi vui chếch ra là "Vũ Đại" dựa theo ngôi làng trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, chứ tuyệt nhiên không phải vì lý do làng tôi có nhiều nhân vật như Chí Phèo.
Đầu những năm 2000, trong tâm trí của một đứa trẻ bắt đầu nhận thức được cuộc sống như tôi thì làng mình nghèo lắm. Dường như mọi nhà cũng chỉ có vài mẫu lúa, đến mùa vụ thì cấy, gặt, bình thường thì chăm bón, chứ không có việc làm thêm. Tôi cũng từng tỏ ra "tủi thân" khi thấy làng mình không có một nghề truyền thống nào, có chăng lác đác thì có một số nhà làm rèn, đánh dao, cuốc, xẻng… phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Nhà tôi cũng không phải khá giả gì nhưng lại mua được máy cày (loại máy 6 mã lực) thuộc loại sớm nhất làng. Cứ thế đến mùa vụ bố tôi rồi sau đó thêm cả anh tôi đi cày ruộng nhà và nhận cày cho một số hộ. Đi cày công việc vất vả thế mà bữa ăn cũng chẳng có gì. Tôi nhớ là một lần mẹ tôi đang rang thịt (lợn) dưới bếp thì gọi ba anh em chúng tôi xuống dặn: "Tí nữa vào bữa cơm các con không được gắp thịt nhiều nhé, phải phần bố nghe chưa?".
Tôi nhớ ngày ấy đường làng vẫn là đường đất, nhỏ, hẹp chứ không như bây giờ. Mỗi buổi tối từ nhà sang nhà bà nội ngủ là phải đi qua cả một quãng đường dài vài trăm mét tối om và một cảm giác sợ hãi luôn thường trực khi đi qua những bụi tre cạnh ao làng. Chẳng hiểu vì sao hồi ấy chúng tôi cứ nghĩ ngoài cây duối, cây thị thì ở bụi tre là có ma.
Gió to cây tre đu đưa kéo theo tiếng kẽo kẹt càng lớn khiến chị em chúng tôi chỉ còn biết cắm đầu cắm cổ mà chạy. Nhưng cũng thật trớ trêu thay là hồi ấy hầu như nhà nào cũng nuôi chó nên thấy tiếng chân giậm mạnh chúng lại tưởng trộm rồi lao ra đuổi khiến chị em chúng tôi phải chạy "thừa sống thiếu chết" mới đến nhà bà nội. Thế rồi, tôi rút ra kinh nghiệm là mỗi lần đi tối phải mang đoạn cây đi theo phòng trừ chó đuổi còn có "vũ khí tự vệ".
Tất nhiên là học sinh thì luôn thích nhất mùa hè, vì đó là thời gian được nghỉ 3 tháng dài đằng đẵng mà không phải đi học thêm như học sinh bây giờ. Biết bao nhiêu trò chơi được chúng tôi nghĩ ra và tất nhiên là chơi một cách không có giờ giấc (trừ lúc ngủ tối). Những buổi trưa nắng, chúng tôi thường trốn mẹ (vì mẹ bắt ngủ trưa) để đi bắt ve rồi lấy nhựa đường dán chúng vào thanh tre nhỏ để đua. Đi nắng mũ nón không đội da tôi cứ đen nhẻm đi và cũng không ít lần bị mẹ đánh đòn.
Ngày ấy quê tôi trồng rất nhiều vải và tôi thường nhanh nhảu nhận vai bẻ vải rồi "tính công" với mẹ. Tất nhiên, tiền đó tôi cũng chẳng mua gì mà chỉ để đến đầu năm học mới mẹ dẫn sang chợ Đồng Triều (nay thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Nhưng có lẽ vui nhất là buổi tối khi nắng đã tắt, trăng đã lên và gió hiu hiu thổi, chúng tôi tụ tập ở ngoài đường để chơi bịt mắt bắt dê với những cuộc "truy đuổi" không ngớt tiếng cười.
Vì tôi có anh trai lớn hơn 7 tuổi nên những hôm trời mưa cứ thấy anh tôi cầm chai nhựa chạy ra đồng bắt châu chấu là tôi lại chạy theo, mặc cho mẹ tôi luôn càu nhàu: "Không bõ công giặt quần áo". Có những hôm mưa to sấm sét đùng đoàng mà mấy anh em chúng tôi cứ tha thẩn ngoài đồng đuổi theo những chú châu chấu ướt cánh, bay là là mặt đất.
Có những buổi tối, tôi lại nhận chân soi đèn cho anh cất vó tép, đánh đó ở ngoài đồng mà khi về anh em phải lệ khệ xách về một giỏ to với đủ loại cá, tôm, cua, lươn, trạch, rắn... Trước cửa nhà tôi là khu vực Cửa Từ, cá, tôm, tép rất sẵn. Có những hôm mẹ tôi đang nấu cơm mà chưa có thức ăn thì tôi lại theo anh ra ngoài đó bắt cá, tôm, tép ở những rãnh nước, ruộng lúa và trong tích tắc cả nhà đã có bữa diêu mùng ngon tuyệt.
Hôm nay, ngồi ở Hà Nội cũng dưới ánh trăng sáng vằng vặc như thuở ấy miên man về những ký ức tuổi thơ lòng tôi cứ nặng trĩu. Bố tôi – người thợ cày cần mẫn năm ấy không còn nữa, ông đã trở thành người thiên cổ. Khu vực Cửa Từ đầy cá, tôm, tép cũng không còn nữa, người ta đã san đầy đất để quy hoạch một khu dân sinh.
Những vườn vải rợp đỏ khi hè sang, tu hú gọi nhau về cũng không còn nữa bởi giá trị kinh tế không cao người dân làng tôi đã chặt đi để trồng những loại cây có giá trị hơn, như cây thanh long chẳng hạn. Làng Đại Uyên yêu dấu của tôi hôm nay đã thực sự đổi khác, đã được khoác "chiếc áo mới" của đủ đầy, ấm no nhưng sự thật thì làng tôi vẫn ở đó, vẫn lặng lẽ dõi theo từng bước trưởng thành của tôi nơi đất khách, vẫn bao dung tha thứ cho sự vô tâm của tôi khi đã lâu lắm rồi chưa có dịp về thăm…
Bất chợt đâu đây lại vẳng về câu hát: "Ôi quê tôi vẫn còn mái nhà/ Liêu xiêu liêu xiêu, thơm mùi khói chiều…" mà nhớ quê đến nao lòng, quê ơi!.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.