Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/8/2021.
Theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính, các dịch vụ như tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi da, internet, game; dịch vụ may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu nằm trong danh sách chịu 5% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Mức thuế này bằng với thuế suất các ngành như môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý; dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông; quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu.
Với mức thuế này, những người hành nghề cắt tóc, gội đầu... cũng đóng thuế bằng với người có thu nhập từ viết phần mềm với doanh thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Còn nhớ hồi đầu năm, một cá nhân viết phần mềm trên Google Play và App Store có tổng thu nhập 300 tỷ đồng trong năm 2020, nộp thuế 23,4 tỷ đồng, tương đương thuế suất 7%.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Đinh Thị Thu Thủy- chủ một tiệm giặt là trên đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hai năm nay, dưới tác động của dịch Covid-19, tiệm của chị hoạt động gần như cầm chừng khi khách hàng chủ yếu là sinh viên, học sinh được nghỉ học hoặc học online.
Tuy vậy, hàng tháng, chị vẫn phải chi một số tiền kha lớn bao gồm tiền mặt bằng và điện, nước khoảng 9 triệu/tháng, tiền lãi ngân hàng lúc đầu vay để mở tiệm 2,3 triệu/tháng, tiền ăn ở, chi phí sinh hoạt của cả gia đình..
Hiện tại nguồn thu đủ để chi trong giai đoạn này còn khó khăn, nên dù có nghe về việc cửa hàng mình sẽ đóng thêm thuế 7%, chị Thủy chỉ cười vì - "chưa nghĩ đến, bây giờ chỉ mong nhanh chóng hết dịch Covid-19 để việc kinh doanh dễ thở hơn".
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ quán cắt tóc Tuấn Siro tại Mễ Trì cho hay, căn nhà anh thuê hiện tại có tầng 1 dùng để mở tiệm cắt tóc, tầng 2 là nơi sinh hoạt cho anh cùng với người thợ.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, TP. Hà Nội có chỉ thị các dịch vụ không thiết yếu tạm thời đóng của để phòng dịch, đồng nghĩa với không có doanh thu.
"Đến đầu tháng 7 này lại phải đóng tiền nhà cho 3 tháng tiếp theo, thợ hiện đã nghỉ về quê, chỉ mỗi tôi ở lại để trông coi quán, chờ đến lúc được phép mở cửa trở lại", anh Tuấn chua chát nói.
Tương tự, những ngành nghề khác như massage, karaoke, vũ trường.. đều đã tạm dừng kinh doanh từ ra tết đến nay. Do vậy, việc Thông tư 40 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/8/2021 vẫn còn nhiều bất cập.
Đánh giá dưới góc nhìn kinh tế, Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cho rằng, về nguyên tắc, tất cả các hoạt động kinh doanh có doanh thu, trừ chi phí và có lợi nhuận thì đều phải đóng thuế.
Câu chuyện này không mới, từ trước đến nay nhà nước vẫn thực hiện, thời điểm này có chăng là kiểm tra, rà soát lại chặt chẽ hơn, để không bỏ sót tiền thuế.
Vấn đề ở đây là bối cảnh áp dụng không hợp lý, khi hiện nay dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, doanh nghiệp và hộ kinh doanh khó hồi phục về tiềm lực, thì việc siết chặt thuế sẽ tạo khó khăn hơn cho người dân. Thậm chí, có nhiều ngành, nghề đang kiến nghị nhà nước giảm thêm các loại phí, thuế khác để hỗ trợ.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, Bộ Tài chính nên tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp về mức thuế và thời điểm có thể áp dụng. Bởi vì, một mặt Bộ Tài chính năm nay thất thu lớn về thu ngân sách, thế nhưng mặt khác doanh nghiệp cũng không thể hoạt động, bây giờ lại đánh thuế. Trong khi, chính phủ đang đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu hoãn, giãn thuế.
"Bộ Tài chính nên tham khảo cộng đồng doanh nghiệp, thời gian nào có thể thực hiện, và mức thu thuế 7% đã hợp lý chưa, hay là cao với nhóm ngành nghề dịch vụ nay", ông Doanh cho hay.