Từ giữa năm 2020, gia đình ông Đỗ Hoàng Hà, thôn 3A, xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã liên kết với Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải ở TP. Hồ Chí Minh để trồng 1 ha cà tím Nhật Bản.
Khi liên kết, gia đình ông Hà được công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà tím Nhật Bản và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 7.000 đồng/kg.
Sau khoảng 2 tháng chăm sóc, vườn cà tím cho thu hoạch. Mỗi lứa cà tím Nhật Bản kéo dài từ 8 đến 12 tháng tùy vào sự chăm sóc của người trồng.
Sản lượng thu hoạch cà tím đến đâu được công ty thu mua đến đó để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Vì vậy, gia đình ông Hà yên tâm canh tác, không lo về giá và đầu ra của sản phẩm.
Ông Hà cho biết: “Nếu mô hình cà tím phát triển tốt sẽ cho năng suất bình quân từ 70-100 tấn/ha tùy theo vụ. Sau khi trừ chi phí, mô hình có thể thu lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, quá trình trồng phải bảo đảm đúng kỹ thuật, nhất là chú trọng khâu chăm sóc sâu bệnh, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng và các yêu cầu xuất khẩu”.
Tương tự, gia đình ông Lại Văn Xuân ở bon R’bút, xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cũng liên kết với Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải ở TP. Hồ Chí Minh trồng 5 sào cà tím Nhật Bản.
Theo ông Xuân, so với trồng cà chua thì trồng cà tím Nhật Bản dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, tiết kiệm được chi phí đầu tư. Chi phí phân, thuốc, bạt phủ, làm giàn…để trồng cà tím Nhật Bản khoảng 15 triệu đồng/sào.
Vụ mùa vừa qua, gia đình ông canh tác 5 sào cà tím Nhật Bản. Trung bình 1 sào thu từ 7 - 8 tấn quả. Với giá thu mua 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình ông thu về khoảng 150 triệu đồng.
Ông Xuân chia sẻ: “Đến mùa thu hoạch thì ngày nào cũng có xe của công ty lên tận nhà để thu mua cà tím cho bà con. Sau khi thu xong cà tím công ty chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản nên chúng tôi cảm thấy yên tâm, thoải mái trong quá trình lao động sản xuất”.
Theo Hội Nông dân xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), cà tím Nhật Bản là một loại cây trồng mới trên địa bàn.
Toàn xã hiện có 24 hộ trồng cà tím với tổng diện tích trên 15 ha. Sau những vụ mùa vừa qua, có thể khẳng định, loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư cây cà tím giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cà tím và thu mua lại sản phẩm với giá cả theo hợp đồng ký kết doanh nghiệp.
Những hộ dân trồng cà tím rất phấn khởi vì biết sản phẩm làm ra sẽ bán được và lợi nhuận khá cao. Việc liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân mở ra hướng đi hiệu quả trước bối cảnh nhiều cây chủ lực cho thu nhập thấp.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng trồng cà tím Nhật Bản tự phát, tràn lan, địa phương đang phối hợp với các ban, ngành chuyên môn của huyện tiến hành theo dõi, rà soát; đồng thời, liên hệ, kết nối với nguồn tiêu thụ theo hướng ổn định, lâu dài để bà con yên tâm trồng và phát triển loại cây này.