Bình Phước: Nuôi gà thả vườn quanh năm, nông dân ở đây có thu nhập khỏe, nhà nào nuôi nhà đó khá giả

Thứ bảy, ngày 19/06/2021 07:41 AM (GMT+7)
Trong những năm qua, các hộ dân trên địa bàn xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản (Bình Phước) đã có nguồn thu ổn định từ nuôi gà ta thả vườn.
Bình luận 0

Với đặc điểm dễ nuôi, không mất nhiều chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc…, hộ ông Đoàn Văn Kể, ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng đang "sống khỏe" từ nuôi gà ta thả vườn.

Bình Phước: Nuôi gà thả vườn quanh năm, nông dân ở đây có thu nhập khỏe, nhà nào nuôi nhà đó khá giả - Ảnh 1.

Đàn gà 1 tuần tuổi của thành viên hợp tác xã Nguyễn Văn Mạnh, ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Nhờ chịu khó học hỏi từ các mô hình chăn nuôi, năm 2016, gia đình ông Đoàn Văn Kể nuôi giống gà ta thả vườn. 

Tận dụng vườn rộng rãi, vốn đầu tư chuồng trại lại không cao, chủ yếu dùng các vật liệu như lưới thép B40, gạch chỉ xây chân tường, tre, gỗ tạp quanh vườn, bạt việc nuôi gà vẫn bảo đảm giữ nhiệt độ thích hợp, hạn chế tối đa dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, nuôi gà không tốn nhiều công chăm sóc; thức ăn chủ yếu là lúa, bắp, rau xanh. Ngoài ra còn tận dụng được nguồn phân bón cho cây cao su, cam quýt của gia đình.

Hiện tổng đàn gà của hộ ông có trên 1.500 con. Mỗi năm, gia đình ông nuôi 4-5 lứa, mỗi lứa từ 5-6 tháng, hằng năm xuất bán ra thị trường trên 10 ngàn con gà thịt, trung bình nặng 1,7-3kg/con…

Với mức giá ổn định từ 85-95 ngàn đồng/kg, gia đình ông thu gần 400 triệu đồng/năm, đã trừ mọi chi phí. Thương lái thu mua sản phẩm gà thả vườn của gia đình ông chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Xoài…

Ông Kể cho biết: Nếu làm tốt phòng dịch bệnh, tiêm vắc-xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thoáng mát, làm sàn thì hao hụt ít, 1.000 con chỉ hao 15-20 con.  

Còn ông Nguyễn Văn Mạnh ở cùng ấp Sóc Ruộng, năm 2019 tham gia vào hợp tác xã, được đi tham quan các buổi học tập chăn nuôi ở nhiều nơi. 

Sau đó, gia đình ông Mạnh vay vốn phát triển chăn nuôi gà trang trại. Theo ông Mạnh, vấn đề con giống là yếu tố quyết định gia đình thường chọn gà giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, ông đã liên kết với thương lái bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Ông Mạnh cho biết, nuôi gà không khó, quan trọng là phải thường xuyên kiểm tra, tiêm ngừa đầy đủ cho gà để phòng, chống bệnh như: Thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng và không cho gà tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài. 

Sau mỗi đợt xuất chuồng, phải vệ sinh chuồng và rải vôi bột khử trùng, sau khoảng 15 ngày ông mới thả gà cho vụ nuôi kế tiếp. Qua hạch toán, trung bình mỗi năm gia đình ông nuôi 4 lứa quy mô 1.500 con/lứa, giá bán trung bình từ 45-55 ngàn đồng/kg. Mỗi lứa ông thu từ 40-45 triệu đồng đã trừ chi phí.

Từ nuôi gà thả vườn và gà trại đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. 

Ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Tân Hưng, huyện Hớn Quản (Bình Phước) nói: Hiện hợp tác xã có 18 thành viên và đều nắm chắc được phương thức chăn nuôi nên ổn định. Tuy nhiên, hợp tác xã gặp một số khó khăn về vốn, đầu ra sản phẩm. Hợp tác xã mới thành lập, đa số hộ chăn nuôi tự bỏ vốn và có Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn từ 50-70 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Phát triển chăn nuôi, nuôi gà thả vườn ở xã Tân Hưng đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Từ đó, giúp người nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, sáng tạo trong vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao mức sống.

Lê Khương (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem