Từ 4 giờ 30 sáng, chị Nguyễn Thị Tình (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã tất bật chuẩn bị quần áo, mũ nón để ra đồng. Chị cùng 4 lao động vừa nhận 3 sào ruộng đồng sâu. Thời tiết nắng nóng, mấy hôm nay cả nhóm phải đi từ rất sớm để tránh nắng.
Chị Tình kể, chúng tôi dậy sớm ra đồng lấy mạ (cây lúa non), rồi chở mạ ra đồng. Ra tới đồng phải làm đất, điều tiết nước vừa đủ thì mới bắt đầu cấy. Mấy ngày nay nắng nóng, dù cố gắng đi từ rất sớm nhưng vì cấy thuê nên phải làm đủ giờ và thường phải 9 -10 giờ cả nhóm mới được nghỉ làm.
Đồng ruộng không một bóng cây, 10 giờ sáng mà ngỡ như là 12 giờ trưa, trời nóng bức không một làn gió. Nắng nóng thiêu đốt khiến hơi nước bốc lên càng nóng, cộng thêm mùi bùn làm cho khí nóng càng tăng lên cao xông thẳng vào mặt khiến gương mặt ai cũng đỏ ửng, mướt mồ hôi.
Chị Tình than thở: "Nóng lắm, không thể chịu được, cố thêm xíu nữa chị em chúng tôi về chứ đứng đây tới 11 giờ trưa chắc chị em tôi ngất hết".
Công việc vất vả, nhưng những ngày công của lao động làm nghề cấy thuê cũng không cao, chỉ dao động trong khoảng 250-300 nghìn đồng/ngày. Vất vả, mệt nhọc quần quật giữa ngày hè nóng bức nhưng họ đều làm việc hăng say, đầy trách nhiệm... với hy vọng làm cho kịp mùa vụ.
"Hiện nay tại một số vùng quê, nông dân không còn trồng lúa. Nếu có thì nông dân cũng thuê người làm, nguyên nhân là bởi vì có nhiều công việc tốt hơn, cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Tuy nhiên, vào chính vụ, việc thuê lao động cấy, gặt không hề đơn giản. Lao động làm nông nghiệp đang thiếu nghiêm trọng tại nhiều vùng quê".
Sau 3 tiếng khom mình cấy lúa, cơ thể đau mỏi, mặt đỏ, đầu óc quay cuồng, chị Nguyễn Thị Lan - một người cấy thuê cùng chị Tình vớ tà áo lau vội những giọt mồ hôi đang túa ra trên trán, trên mặt và bước vội lên bờ uống ngụm nước rau má đường.
Chị tâm sự, trời nắng thế này không có mấy cốc nước rau má đường thì không bám trụ mà cấy được. Dù khá quen thuộc với công việc cấy, hái mùa hè nhưng chuyện sốc nhiệt, say nắng vẫn xảy ra thường xuyên. Tuy mệt nhưng đi làm thuê thì phải chăm chỉ hơn, vì thế dù có mệt cũng không được ngồi nghỉ, phải làm liên tục. Cả ngày chỉ tranh thủ nghỉ vài phút lên bờ uống ngậm nước rồi xuống cấy tiếp.
"Người ta thuê mình thì mình phải làm việc chăm chỉ, không họ bỏ tiền thuê cũng tiếc lắm. Không chỉ chăm chỉ không, chúng tôi còn phải cấy nhanh, cấy đẹp, cấy đúng kỹ thuật. Không có kỹ thuật, cấy vùi cây mạ sâu quá nắng nóng thế này thì mạ chết hết sau người ta còn bắt đền ấy", chị Lan chia sẻ.
Nhà còn con nhỏ, nhưng chị phải gửi con để đi cấy thuê, với hy vọng kiếm thêm được một khoản để mua phân bón cho vụ mùa tới và có tiền cho con lớn (học lớp 9) ăn học vào đầu năm học mới.
"Tôi là lao động tự do, làm mấy sào ruộng chỉ đủ ăn, dạo gần đây kinh tế khó khăn xoay đủ nghề vẫn không đủ ăn. Sáng thì bán bánh ở chợ, ngày thì cắt tóc gội đầu, hôm nào vắng khách đi bán hoa quả, cấy lúa thuê... cứ có việc là làm, vậy mà không đủ lo cho các con", chị Lan nói.
Theo tính toán, vụ này chị cấy thuê được 6 ngày, tính ra mỗi ngày 300 nghìn đồng, vậy là cả vụ chị cấy thuê được tầm 1,8 triệu đồng.
Để có 1,8 triệu đồng này, những lao động như chị Lan phải đánh đổi bao mồ hôi, nước mắt. Đêm về là cơ thể mệt mỏi, xương khớp đau nhừ, nhức mỏi không ngủ được. Đến giấc ngủ cũng ngắn, không trọn vẹn (chỉ được 5-6 tiếng).