Lao động nông thôn được hỗ trợ chuyển đổi việc làm trong dịch Covid -19
Lao động nông thôn được hỗ trợ chuyển đổi việc làm trong bối cảnh dịch Covid -19
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 19/06/2021 16:58 PM (GMT+7)
Cả nước hiện có hơn 54 triệu lao động, trong đó có tới gần 2/3 trong số này sống ở khu vực nông thôn, miền núi. Dịch Covid -19 cũng khiến nhiều lao động bị mất việc, giãn việc. Luật Việc làm năm 2013 cũng quy định hỗ trợ với nhóm lao động này.
Lao động nông thôn được hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề giải quyết việc làm
Mục 2, chương 2 Luật Việc làm năm 2013 quy định về "Chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm với người lao động ở khu vực nông thôn" có quy định lao động nông thôn được hỗ trợ chuyển đổi việc làm.
Cụ thể, tại điều 15 của mục 2 quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, dựa trên các căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Điều 15 của luật này cũng quy định người lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được hưởng 4 chế độ là: Hỗ trợ học nghề; Tư vấn miễn phí về chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, học nghề; Giới thiệu việc làm miễn phí; Vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại các điều 11, 12 và 13 của Luật này.
Điều 16, mục 2 của Luật việc làm năm 2013 cũng quy định việc hỗ trợ học nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn. Theo đó người lao động ở khu vực nông thôn học nghề dưới 3 tháng hoặc học nghề trình độ sơ cấp ở cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài hỗ trợ trực tiếp người lao động, luật còn có hỗ trợ với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể...
Tại điều 17, của Luật Việc làm cũng quy định chế tài hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn thông qua nhiều hoạt động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 5 năm 2021, cả nước có 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm do dich Covid-19, trong đó có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Ví dụ như: Hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại các điều 11, 12 và 13 của Luật này; Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm; Miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Và nhiều chính sách hỗ trợ việc làm gián tiếp khác
Ngoài chính sách được quy định theo Luật Việc làm năm 2013, trong bối cảnh dịch Covid -19, lao động nông thôn ký hợp đồng lao động làm trong các khu công nghiệp còn được hưởng nhiều hỗ trợ khác.
Đầu tiên có thể kể tới các gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ Nhà nước. Ví dụ như hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng đã được giải ngân từ tháng 4 và tháng 5/2020.
Lao động thất nghiệp, giãn việc làm, giảm sâu thu nhập còn được các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn; Mặt trận tổ quốc... tặng quà.
Thông qua các gói hỗ trợ vốn, thuế... cho doanh nghiệp, nhà nước, Chính phủ cũng mong muốn thúc đẩy, khôi phục sản xuất, tạo việc làm bền vững cho người lao động, nhất là lao động yếu thế. Lao động nữ, lao động động tự do, lao động ở khu vực nông thôn.
Hiện nay để tiếp tục hỗ trợ cho lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đó có cả lao động và doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể... ở nông thôn, Bộ LĐTBXH đang dự thảo gói hỗ trợ lần 2. Dự kiến gói hỗ trợ có kinh phí lên tới hơn 27.000 tỷ đồng, với nhiều nhóm giải pháp trọng tâm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.