Người trưởng thành mà sinh sống ở Thủ đô thì ai cũng đã đôi lần bước vào quán. Chỉ đơn giản, sáng đi ăn quà thì dân nghiện phở cũng đã phải mỏi chân và tốn khối tiền cho những quán phở. Người thích thịt bò tươi thì xếp hàng mỗi sáng ở phở Hiền đầu đường Láng - Nguyễn Chí Thanh, ai thì mê phở truyền thống thì tới phở Thìn Bờ Hồ.
Nhưng có lẽ chủ đề phở Hà Nội xin được hầu bạn đọc và một dịp khác, chỉ xin kể ra đây để chúng tôi muốn nói rằng: Từ sáng sớm đã có quán phục vụ cho bà con thị dân, và ăn quà ở quán là một thói quen đến mức ăn sâu gọi là văn hóa của người dân Thủ đô.
Mà quán xá lại đang đóng cửa thì đúng là hụt hẫng, hay đứt gãy về cảm xúc chờ đợi mỗi khi sáng ta thức dậy để tới một hàng quàn nào đó.
Cách đây 3 năm, tôi có được tiếp hai người bạn ở phương Nam lần đầu ra Hà Nội. Bạn không có nhu cầu ăn, nhưng lại có một yêu cầu là khám phá cái nét gì đó rất riêng về đời sống của người dân Hà Nội.
Lái xe một hồi tôi mới dừng lại, sà vào quán trà đá vỉa hè dựa lưng vào đền Quán Thánh (Ba Đình). Gọi 3 cốc trà đá và một đĩa hướng dương mà 3 chúng tôi có một bữa buôn chuyện không tài nào dứt ra được.
Một chị nói "ngộ ghê sao cái món trà này mà cũng bán được? người ta lại có thể hào hứng, ngồi ngay ở vỉa hè này mà tám chuyện đủ thứ trên đời". Nhưng gần đến nửa đêm chính hai vị khách cũng bị cuốn vào cái không khí vỉa hè vừa riêng lại vừa chung ở phố phường Hà Nội.
Họ biết thêm chỉ quanh mấy cái ghế, bộ tích chén, mà đã là nguồn sống của nhiều gia đình, rồi cốc trà đá là nơi hàn huyên chuyện trò, bàn mưu tính kế để kiếm ăn của bao nhiêu người. Quán trà đá là nơi anh xe ôm chờ khách, anh đánh giày tìm việc, hay cả mấy cô cậu sinh viên, cùng trao đổi bài. Giờ trà đá đóng cửa không biết bao nhiêu người, gia đình lấy gì mà ăn, đi đâu về đâu bây giờ?
Cũng vẫn là quán xá, ông chủ quán bia Thông bạn tôi trên phố Yên Phụ. Đây là quán bia khá uy tín của đám "nghiện" bia hơi Hà Nội. Bình thường ông chủ chảnh lắm, khách uống bia gọi nhiều mồi cũng không bán cho, uống bia nhiều quá cũng không bán nữa, rồi mời khách về với một thái độ cương quyết như đuổi.
Nhưng quan bia đóng cửa, ông Thông cũng chả khó khăn gì mà lo thiếu tiền, thiếu gạo. Nhưng gọi điện ông nói: "Tao buồn quá mày ơi, chỉ nhớ mấy ông khách đến đây bình luận bóng đá, mùa này bao nhiêu trận đấu ở Châu Âu, ở Nam Mỹ anh tài đua tranh đường bóng đẹp. Mà khách ruột không đến ngồi chém gió bình luận bóng đá, đúng là chẳng có sinh khí gì cả, phí một mùa hè đáng ra phải vô cùng náo nhiệt".
Nhớ khách quá ông Thông xuống nước nói: "Thôi hôm nào được mở lại quán, mấy bố chém bóng đá có say tí thì mình cũng không cằn nhằn gì cả đằng nào chả hết bia thì nghỉ thôi mà".
Nói đến quán mà chỉ nghĩ đến ăn uống thôi thì đơn giản quá. Ở Hà Nội, quán còn là nơi phân chia nhịp sinh học gia đình và có lẽ chỉ có Hà Nội mới có. Anh bạn tôi ngay phố hàng Mã, cả nhà 3 thế hệ hơn 12 người lớn nhỏ, chỉ có 14m2, nhà không có bếp, tất cả đều ăn cơm quán, tất nhiên người hàng phố với nhau thì gia đình anh vẫn có chỗ quen nấu phục vụ đủ 3 bữa.
Nhưng ác cái quán đóng cửa hết, gia đình 12 người, trú ngụ trong 14m2, với 3 cặp vợ chồng cùng đám trẻ con thì kinh khủng thật. Quán mở từng đôi chim cắp nhau ra ngồi cà phê, quán cóc hay lê la hàng phố được, mà tránh cho nhau những lúc sượng sùng khi riêng tư, quán đóng hết chả đi đâu được, cả nhà cứ nhìn nhau mặt buồn rười rượi mà không biết làm thế nào?
Chỉ có Covid mới đẩy những đôi vợ chồng trẻ trong những căn nhà chật hẹp ở phố mới có cảnh dở khóc dở cười như thế. Mà hoàn cảnh nhà chật phải phân chia thời khóa biểu sinh hoạt trong những gia đình ở phố cổ cũng vẫn còn khá phổ biến, nên người ta mong có quán mở hơn cả mong lĩnh lương... Thế mới biết quán xá có ý nghĩa như thế nào với bà con phố cổ bây giờ.
Quán xá ở Hà Nội không chỉ là nơi đến ăn uống rồi về, mà còn là nơi để giao lưu văn hóa, giãi bày tâm tư. Quán còn là nơi tạm lánh, để nhường phần riêng tư cho người thân của mỗi gia đình được tự do sinh hoạt. Người Hà Nội đang hồi hộp chờ lệnh được mở quán hơn cả chờ lúc giao thừa. Vì quán xá đóng một vai trò lớn hơn người ta tưởng tượng trong đời sống thực của Hà Thành với vô vàn điều khó nói.