Hà Nội thời "Bán hàng mang về"

N.P.K Thứ tư, ngày 02/06/2021 14:10 PM (GMT+7)
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã gần 40 năm nay, đến bây giờ tôi mới thấy được những hình ảnh trước đây là số ít nhưng lại đang trở thành đa số trong những ngày mà phố chỉ "Bán hàng mang về".
Bình luận 0

Sáng sớm, không khí đã oi bức, cả xóm nhà tôi đã rục rịch mở cửa. Trẻ con nghỉ học ở nhà nên nhà nào cũng tất bật. 

Thời Covid-19, trong những người mở cửa lúc sáng ấy, nhiều người đều xách cặp lồng đi mua đồ ăn sáng.

Ngoài đường, các bác đạp xe thể dục về trên tay lái nào là xôi, là bún, là phở, là bánh cuốn…Hình ảnh trước đây là số ít nay trở thành đa số trong những ngày mà phố chỉ "Bán hàng mang về".

Chỉ trong mấy ngày vừa qua, cái cuộc sống hối hả, gấp gáp, chen lấn, xô bồ dường như đã trở thành xa xỉ; ai cũng vội vã để trở về với gia đình mình. Dường như cuộc sống đều chậm hơn.

Ở hàng phở đầu ngõ nhà tôi. Mấy hôm nay, cảnh xếp hàng lạ thường. Cách nhau 2 mét, mỗi người một suy nghĩ nhưng tuyệt nhiên là nền nếp, không có cảnh chen lấn, cãi nhau. Đó vốn là một nét văn hóa của Hà Nội – nơi luôn bộn bề nhưng khéo sắp đặt và ngăn nắp đến kỳ lạ.

Hà Nội thời "Bán hàng mang về" - Ảnh 1.

Sáng sáng, khi nhiều người còn đang "ngái ngủ" thì quán hàng đã đông đảo "thượng khách" xếp hàng đợi mua đồ ăn mang về.

Trước thời điểm TP cấm bán hàng ăn uống tại chỗ chỉ cho mang về, tôi vẫn kịp chạy qua phố cổ mạn gần Hàng Chiếu, gặp bà hàng rong quen để ăn một đĩa gỏi sứa với đậu đỏ au nhưng thanh nhiệt.

Tôi hỏi: "Thế sau trưa nay thì U đi đâu, bán hàng kiểu gì". "Cũng chưa biết, cứ về xóm trọ đã, quê thì chưa về được rồi. Người lao động như các U sợ Covid lắm. 

Dính là khổ cả bao người xung quanh, không đùa được đâu. U cũng tính hay nấu cơm hộp ở xóm trọ cho những người lao động cùng xóm, chỉ lấy chút công nhỏ thôi. Đỡ đần nhau được chút nào hay chút ấy con ạ", bà hàng rong trả lời.

Thế đấy, tình người trong khó khăn luôn hiển hiện thật nhẹ nhàng nhưng đáng quý, chẳng cần những điều to tát mà xa vời…

Trong cái thời "bán hàng mang về" này, các ông chồng là khổ nhất khi phải xa những giờ hàn huyên bên cốc bia hơi sau giờ làm việc. Bia hơi có giá trị riêng của nó.

Với họ bia chai hay bia lon chỉ là thứ làm cảnh cho đẹp. Họ đổ đi tìm và chia sẻ nhau những hàng bia hơi bán mang về. "Bia Sửu có bán mang về nhé", "Mấy hàng tạp hóa chếch nhà máy bia bán 30 nghìn một chai 75 nhé"…những dòng tin phổ biến trong các nhóm kín của các ông bố dù già hay trẻ.

Và thế là để thỏa mãn cái sự khát ấy, nhiều gia đình mỗi bữa cơm chiều trên bàn lại có những chai bia hơi lạnh mát, bám từng giọt nước trong veo. Khổ nỗi đã bia hơi thì phải kèm mồi. Vậy mà mâm cơm lại có thêm lòng lợn, nem chạo, hay mấy khúc giò. Tỷ lệ mua đậu phụ ở chợ cũng tăng đột biến.

Viết đến đây lại nhớ đến chuyện chiều tối hôm qua, thằng bé nhà hàng xóm suýt bị bố nó phạt chỉ vì gào lên: "Con thích thịt kho tầu cơ, ngày nào cũng lòng lợn với dồi, nhai đau hết cả răng".

Hà Nội thời "Bán hàng mang về" - Ảnh 3.

Ngày 24/5, UBND TP.Hà Nội ban hành Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, từ 12h ngày 25/5, tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Hàng quán ăn uống đều phải bán mang về nên bữa tối của nhiều gia đình giờ đã đông đủ hơn. Mỗi người một việc, trẻ con thì réo rắt, cũng vui. Và tôi nghĩ chắc hẳn nhiều gia đình cũng sẽ hạnh phúc hơn hoặc có thể không nhưng ít ra như một ai đó đã nói: "Những thời khắc bên nhau mới thật đáng quý".

Ăn, nhậu là thế nhưng một trong những nét văn hóa khác của Hà Nội là cafe thì lại khác. Người Hà Nội thích nhâm nhi cafe bên bạn bè, bên phố phường để ngắm cuộc đời và chiêm nghiệm cả tỉ thứ trên đời.

Cafe thì phải pha phin. Nhấc lên nhìn thấy từng giọt sánh như mật ong. Chĩa cốc ra nắng phải in được cả bầu trời đầy mây.

Ra quán quen mua chai cafe mang đi thì chỉ có mấy ông lái xe đường dài. Còn cafe hiện đại "take away" (mang đi) thì chỉ bán cho giới trẻ, chưa bao giờ là thức uống cho người mộ điệu.

Cái khó không bó được cái khôn, tín đồ cafe lại có nhiều sáng kiến. Vẫn pha phin nhé, vẫn cầm đi nhé. Nhưng ra ngay công viên, ngồi cách nhau 2m vừa uống, vừa làm điếu thuốc vừa trò chuyện.

Nhưng được một ngày thôi là phá sản, nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C thì làm ly cafe xong chắc phải uống 3 cốc nước mía để bù nước. Thế là thôi, nghiện lắm thì mua chai để tủ lạnh. Sáng trước khi đi làm uống một ly. Mang chai đến cơ quan, nhâm nhi cả ngày cho đỡ thèm. 

Anh bạn tôi, một người nghiện cafe lâu năm cười nói: "Sinh hoạt thế giống tây trên phim lắm chú ạ nhưng vẫn cafe ấy mà sao nó nhạt, nhạt lắm"…

Những phố phường tấp nập của Hà Nội những ngày này im ắng, vắng bóng người, nhưng cũng vui đáo để. Hàng cắt tóc phải đóng cửa thì dán biển: "Ở đây có cắt tóc mang về". Hàng quần áo thì: "Chỉ bán quần áo mang về"…vui đáo để. Đó hẳn là trò đùa của ai đó nhưng những nụ cười nho nhỏ ấy cũng thật đáng yêu – một chút tếu táo trong bối cảnh khó khăn cũng thật cần…

Dịch bệnh làm chúng ta phải thích ứng từ cách làm việc đến ăn uống và sinh hoạt. Tôi tin những nét văn hóa chẳng mất đi được. Thời này, con người sống chậm hơn và bớt vị kỷ, dành thời gian cho người thân nhiều. Và thích thú nhất vẫn là những đứa trẻ khi được ở bên cha mẹ nhiều hơn khi bố chẳng còn đi uống bia, mẹ không đi gội đầu…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem