Ngày 23/6, Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm: "Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) được Quốc hội ban hành ngày 21/06/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017, trên 3 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Theo đó, Nghị quyết có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42; cùng với những quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010), khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được hoàn thiện; kê biên, hoàn thiện thủ tục pháp lý, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất.
Nghị quyết 42 cũng cho khách hàng thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm trả nợ của mình.
Kết quả, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu (66% số nợ) xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bảng (21%) bán cho VAMC (25%).
Khách hàng tự nguyện trả nợ 150 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Từ thực tế triển khai xử lý nợ xấu tại ngân hàng, ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng Giám đốc SHB cho rằng, Nghị quyết 42 như "làn gió mạnh" thổi vào quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo hành lang pháp lý, là cơ sở để các TCTD đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, rút ngắn thời gian xử lý nợ, tiết giảm chi phí.
"Nghị quyết 42 đã làm thay đổi ý thức trả nợ của khách hàng/bên bảo đảm, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả. Nghị quyết 42 không chỉ là mối quan tâm của ngành ngân hàng mà còn là mối quan tâm của toàn dân".
Thừa nhận nợ xấu là hiện tượng không thể tránh khỏi của bất kỳ nền kinh tế nào và trong thời gian qua Nghị quyết 42 đã phần nào "giải tỏa" được áp lực về nợ xấu cho các ngân hàng thương mại, song theo nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong đại dịch Covid-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng.
"Cơn bão Covid-19 lần thứ tư cho thấy "virus nợ xấu" đã hoàn tất việc "thâm nhập" vào doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế có nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí hoàn toàn tay trắng", nhà báo Lê Xuân Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, cuộc chiến chống Covid-19 xác định sẽ phải kéo dài nhiều năm, vì vậy vấn đề nợ xấu là cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, có 59.800 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình mỗi tháng, có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp trở lại trong vài tháng gần đây đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
"Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng", TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ tại tọa đàm.
Trên thực tế, hơn 1 năm qua, các tổ chức tín dụng đã có khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của lãnh đạo một ngân hàng thương mại số lượng doanh nghiệp gửi đơn đến ngân hàng xin được giảm lãi vay và khoanh nợ còn rất lớn.
"Trong báo cáo của các ngân hàng cho thấy, con số nợ xấu trong quý I/2021 khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN" sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành Ngân hàng" – ông Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại dịch bênh kéo dài, nếu doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh và mất khả năng thanh toán, khi đó "Doanh nhân có khả năng thành con nợ, ông chủ thành con nợ", các khoản nợ hiện nay sẽ trở thành nợ xấu là điều khó tránh khỏi.
Trong khi nợ xấu có nguy cơ "dềnh lên" do tác động của Covid-19, công tác xử lý nợ xấu lại có dấu hiệu chững lại.
Đơn cử như tại VAMC, theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, dịch bệnh Covi-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu.
Cụ thể, tốc độ xử lý nợ xấu và mua nợ xấu chậm hơn, thậm chí có những khoản nợ bán đấu giá thành công rồi nhưng do tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 đã khiến người đấu giá thành công xin gia hạn thời hạn trả tiền cho khoản đấu giá thành công...
"Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế - một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua", TS. Cấn Văn Lực đề xuất.