Dấu ấn huyền thoại: NSƯT Nhất Sinh hội ngộ Quang Linh và chia sẻ thắt lòng về mẹ hiền.
NSƯT Nhất Sinh là người con của quê hương Quảng Ngãi, những ca khúc của NSƯT Nhất Sinh đậm chất dân ca, bám chặt rễ vào dân ca mà "đậm đà chất… Nhất Sinh".
Nhất Sinh là "nhạc sĩ đồng quê", nghệ sĩ đã hồn hậu hứa sẽ trung thành suốt đời với dòng nhạc này như trung thành và yêu thương người mẹ vất vả của mình. Trong "Dấu ấn huyền thoại" tập 7, NSƯT Nhất Sinh đã gặp lại người chiến hữu, người đã đưa từng lời ca tiếng hát của anh đi xa – nghệ sĩ Quang Linh.
Nhớ lại thời gian đầu đi hát, NSƯT Nhất Sinh tâm sự: "Tôi là người Quảng Ngãi. Năm 1975 quê tôi giải phóng, lúc đó tôi đang là học sinh, có người chị hoạt động trong đoàn văn công ngỏ ý mời tôi hát.
Chiều hôm đó tôi qua đoàn hát, hát xong anh đội trưởng nói: "Lấy cậu này đi, cậu này có giọng". Lúc ấy tôi mới 20 tuổi khi nghe được chọn vào đoàn văn công tôi rất hào hứng. Tôi được phát cho một bộ đồ bộ đội, một chiếc mũ cối, mấy ngày đầu vào tôi chỉ được kéo màn mà chưa được diễn.
Cuối năm 1975, Quảng Ngãi, Bình Định sát nhập thành Nghĩa Bình, tôi vào Quy Nhơn. Khi vào Quy Nhơn thì bỏ không còn ca hát nữa. Tôi cảm thấy chán nản và có ý định về quê. Khi đó, bạn bè động viên ở lại đến năm 1977 thành lập đoàn ca múa, từ đó chính thức tôi mới bước chân vào nghề.
NSƯT Nhất Sinh kể: "1978 tôi được đi học nhạc, hồi đó người ta phân vùng từ Nha Trang tới Đèo Ngang học ở Huế, từ Ninh Thuận vào Nam học ở Sài Gòn còn từ Đèo Ngang trở ra học ở Hà Nội.
Học xong 4 năm tôi liều vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm 1983 thành lập lại nhóm ca nhạc dân tộc, tôi làm được hơn một năm thì đoàn ca múa nhạc Bông Sen cho người qua mời tôi về làm việc cho đến bây giờ".
Những sáng tác của NSƯT Nhất Sinh gắn liền hình ảnh quê hương, đất nước như: giếng nước, sân đình, nhà tranh,… Lời bài hát của NSƯT Nhất Sinh cũng luôn mang nét đặc sắc rất riêng khi được lồng những câu ca dao, tục ngữ Việt Nam một cách tinh tế.
Trong "Dấu ấn huyền thoại", NSƯT Nhất Sinh có dịp song ca cùng nghệ sĩ Vân Khánh bài "Tơ hồng". Đây cũng là sáng tác đầu tay của ông.
"1988 tôi là ca sĩ của đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Nhạc sĩ Hồ Bông là trưởng đoàn, trong dịp dẫn Bông Sen về miền Tây diễn vào buổi trưa, nghệ sĩ Hồ Bông dẫn tôi đến nhà người bạn chơi.
Tôi thấy trong nhà có cặp vợ chồng nhưng chồng là người Nam còn vợ lại là người Bắc. Tôi có hỏi thì biết rằng, họ quen nhau trong chiến tranh và có hứa rằng khi hòa bình lập lại sẽ cưới nhau. Từ đó, tôi bắt đầu viết bài "Tơ hồng" và hoàn thành trong 4 tháng", Nhất Sinh chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Trà Khúc, tâm hồn NSƯT Nhất Sinh thấm đẫm các làn điệu dân ca bởi lời ru, câu hò của mẹ, của chị. Phát huy sáng tác đầu tiên mang âm hưởng dân ca, anh viết tiếp ca khúc thứ hai, cũng chính là bài hát cho mối tình đầu tiên "Chim sáo ngày xưa".
Trong "Dấu ấn huyền thoại" NSƯT Nhất Sinh – Quang Linh đã song ca ca khúc "Chim sáo ngày xưa". NSƯT Nhất Sinh chia sẻ: "Tôi viết bài "Chim sáo ngày xưa" vào năm 1989, người hát đầu tiên là anh Ngọc Tân sau đó rất nhiều người hát nhưng tôi cảm ơn Quang Linh, nhờ có Quang Linh mà bài hát của tôi được nhiều người biết tới".
Thời gian gần đây, NSƯT Nhất Sinh viết nhiều về mẹ: "Nhớ mẹ mùa Vu lan", "Một cánh hoa dâng mẹ", "Còn mãi lời ru", "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa", "Con sẽ về"...
Cho dù viết nhiều thể loại nhạc khác nhau, ca khúc của NSƯT Nhất Sinh viết vẫn thấm đẫm tình người và ngọt ngào âm hưởng dân ca quê nhà. NSƯT Nhất Sinh tâm sự: "Tôi sinh đầu tháng 2/1955 thì tháng Chạp cha mất.
Sau đó, mẹ tôi một mình nuôi 4 chị em tôi, tôi là con út. Năm 1965, chiến tranh ác liệt tràn đến quê tôi. Các anh chị đều mất, mẹ chỉ còn mình tôi. Đến năm 1975, tôi tham gia đoàn văn công đi suốt, không mấy khi được ở quê nhà. Và mẹ tôi sống ở quê một mình. Sau này, tôi đưa mẹ vào TP.HCM sống, nhưng bà không chịu được lại về quê. 3 năm sau thì mẹ mất".
Trong tất cả những bài hát về mẹ "Mẹ và lời ru", "Còn mãi lời ru" là 2 ca khúc NSƯT Nhất Sinh yêu thích nhất, nghệ sĩ chia sẻ: "Ngày còn nhỏ, mẹ đi buôn gánh bán bưng, xuống thị xã mua đồ rồi mang lên vùng giải phóng vừa bán, vừa tiếp tế cho bộ đội, còn tôi ở nhà một mình.
Thời điểm đó, thanh niên rất dễ bị lôi kéo ăn chơi, nhưng dù một thân một mình và sau này khi đi vào đoàn văn công tỉnh, đi nơi này nơi kia, tôi vẫn dứt khoát không cho phép mình hư, bởi tôi nghĩ về mẹ rất nhiều.
Mình mồ côi, nhà nghèo, mẹ chỉ còn mỗi mình thì bản thân phải biết tự vận động. Đến tận bây giờ, dù mẹ đã nhắm mắt xuôi tay từ rất lâu thì bà vẫn có thể tự hào rằng, con mình đang sống tốt, tử tế... như cách mẹ dạy anh em tôi từ tấm bé…"