Dân Việt

Biến rơm rạ thành phân hữu cơ, nhà nông ngoại thành Hà Nội hưởng lợi kép

Thu Hà 25/06/2021 05:00 GMT+7
Trong khi nhiều địa phương loay hoay lo giải quyết tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường thì ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) với sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội ND việc này được xử lý khá hiệu quả.

Hiện nay, sau mỗi vụ thu hoạch, nhiều nông dân trên Đan Phượng đã biết cách ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

Từ "cánh đồng không đốt rơm rạ"...

Cuối tháng 5/2021 vừa qua, tại cánh đồng thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ, Hội ND huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị đầu bờ triển khai cánh đồng không đốt rơm rạ.

Tại hội nghị đầu bờ, bà con nông dân xã Thượng Mỗ được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nêu rõ tác hại của việc đốt rơm rạ, lợi ích tái tạo rơm rạ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng; giải đáp một số băn khăn, vướng mắc trong sản xuất thâm canh lúa, cây màu của bà con nông dân trong thôn.

Biến rơm rạ thành phân hữu cơ, nhà nông hưởng lợi kép - Ảnh 1.

"Hội ND đã tích cực tổ chức các hội nghị, thúc đẩy truyền thông, hướng dẫn cho từng hộ gia đình tham gia bảo vệ môi trường nông thôn…".

Ông Thiều Văn Son

Đặc biệt, nông dân Thượng Mỗ được "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn, quy trình xử lý rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Có kinh nghiệm tham gia mô hình này từ nhiều năm trước, bà Nguyễn Thị Vĩnh (ở thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ) chia sẻ: "Được Hội ND hướng dẫn xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón nông dân chúng tôi không ai đốt rơm rạ khói mù mịt nữa. Bên cạnh đó, nhờ nguồn phân hữu cơ ủ từ rơm rạ bón cho lúa chúng tôi cũng tiết kiệm được chi phí mua phân bón".

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội ND huyện Đan Phượng cho biết: "Đây là năm thứ 4 Hội ND huyện Đan Phượng triển khai mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học cho hội viên nông dân. Tham gia mô hình này, nông dân có lợi ích kép: Vừa bảo vệ môi trường, lại vừa tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ nguồn phân hữu cơ. Chính vì vậy, nông dân Đan Phượng rất phấn khởi và ngày càng có nhiều nông dân tham gia mô hình". Theo ông Thiều Văn Son, để có được kết quả này, Hội ND huyện đã phải trải qua cả một quá trình dài từ tuyên truyền, vận động đến hỗ trợ nông dân xây dựng những mô hình điểm.

Cụ thể, năm 2017, Hội ND huyện Đan Phượng đã lựa chọn xã Thọ Xuân là địa phương thí điểm mô hình "cánh đồng không đốt rơm rạ". Theo đó, Hội ND đã tổ chức 100 hội viên trong xã đã ký kết tham gia chiến dịch không đốt rơm rạ. Mô hình trên thực sự đã mang lại hiệu quả, khiến hội viên phấn khởi, tin tưởng. Hiện tại, xã Thọ Xuân vẫn đang tiếp tục cho triển khai, vận động bà con xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học cho 19,96ha lúa do Hội ND huyện Đan Phượng cấp.

Đến vụ lúa xuân năm 2019, Hội ND huyện Đan Phượng tiếp tục nhân rộng đại trà mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học tại 9 xã trên địa bàn với diện tích 357ha. Ban đầu, để khuyến khích, động viên nông dân tham gia vào mô hình, Hội ND đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ miễn phí chế phẩm sinh học cho nông dân và tập huấn kỹ thuật. "Việc hỗ trợ trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, người nông dân hào hứng tham gia" - ông Son cho biết.

Nhiều mô hình hay vì môi trường

Biến rơm rạ thành phân hữu cơ, nhà nông hưởng lợi kép - Ảnh 3.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) trộn chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ sau thu hoạch lúa. Ảnh: Văn Tùng

Để nhân rộng thêm mô hình, ngay từ đầu vụ thu hoạch lúa xuân năm 2021, Hội ND huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ xây dựng mô hình cánh đồng hạn chế đốt rơm rạ tại 4 xã, tổng diện tích 25ha.

Ông Son cho biết: So với những ruộng đốt rơm rạ tại ruộng, ruộng được xử lý bằng chế phẩm sinh học tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ vàng lá và nghẹt rễ sinh lý. Cùng với đó, giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng NPK bón thúc lần đầu. Bên cạnh đó, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học khá đơn giản, chỉ cần trộn đều chế phẩm với cát, đất, hoặc phân bón, dải đều khắp ruộng. Sau 13 - 15 ngày, rơm và gốc rạ tự phân hủy, ngấu trong đất.

Theo Chủ tịch Hội ND huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, nhận thức rõ vai trò trong bảo vệ môi trường nông thôn, cùng với việc nhân rộng các mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch, Hội ND Đan Phượng đã vận động nông dân thu gom, tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các điểm đã bố trí thùng đựng. Nhờ đó đến nay, trên nhiều cánh đồng của Đan Phượng không còn tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi.

Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong năm 2020, các cấp Hội ND huyện Đan Phượng đã xây dựng được 25 mô hình nông dân bảo vệ môi trường, tiêu biểu như: Mô hình làm sạch đồng ruộng tại thị trấn Phùng, xã Liên Trung; phân loại rác thải tại nguồn ở các xã Đan Phượng, Phương Đình, Thọ An; mô hình giảm thiểu bụi trong sản xuất mộc tại các xã Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung; duy trì 90 tuyến đường Chi hội nông dân tự quản về vệ sinh môi trường…

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các mô hình nông dân bảo vệ môi trường, ông Son cho rằng sự vào cuộc của toàn thể chính quyền địa phương, vai trò trách nhiệm của các ban ngành đoàn thể rất quan trọng.