Dân Việt

Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ 1): Tài sản nghìn tỷ nguy cơ thành phế liệu

Nguyễn Quý 28/06/2021 06:00 GMT+7
Qua các đợt "bão" Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, hơn 500 con tàu hoạt động đưa khách tham quan, du lịch tại vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng "ngắc ngoải" nằm bờ, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Hàng trăm chủ tàu đang từ những người làm ăn khá giả, giờ ngập trong cảnh nợ nần. Những con tàu có trị giá "triệu đô" đang trở thành món nợ lớn...

"Tang thương" - đó là cụm từ mà những ông chủ tàu miêu tả về khung cảnh hiện tại trên các bến cảng tàu khách ở TP.Hạ Long.

Thuyền trưởng, nhân viên về quê, đi đánh cá...

Cuối tuần, có mặt tại 2 cảng tàu khách lớn nhất TP.Hạ Long là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Tập đoàn Sun Group) và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (Tập đoàn Tuần Châu), phóng viên ghi nhận khung cảnh ảm đạm chưa từng thấy tại 2 địa điểm vốn sôi động này. Hàng chục tàu neo đậu, khung cảnh im lìm, hiếm hoi mới thấy một bóng người trông giữ hoặc bảo trì tàu...

Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ 1): Tài sản nghìn tỷ nguy cơ thành phế liệu - Ảnh 1.

Tàu khách “triệu đô” nằm bờ, cửa đóng then cài, chưa biết ngày nào được tung hoành trở lại trên sóng nước Hạ Long. Ảnh: N.Q

"Nếu như dịch vụ vận tải ôtô, người ta có thể xoay sang chở khách khác hoặc chở hàng, thì đặc thù của tàu này phụ thuộc 100% vào khách du lịch. Mỗi đợt dừng hoạt động tham quan, du lịch như thế này, coi như chúng tôi bị "cắt máu" chú ạ".

Ông B.Đ.L - chủ hãng tàu du lịch

Hàng nghìn thuyền viên, nhân viên làm việc trực tiếp trên hơn 500 con tàu giờ phiêu bạt nơi nào, các chủ tàu cũng chịu. Họ chỉ cố gắng giữ lại 1-2 nhân viên chính cho mỗi tàu để trông coi và bảo dưỡng tàu. Các ông chủ tàu cũng không giấu giếm việc nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho thuyền viên, bởi nguồn thu đã cạn kiệt, trong khi đó họ còn phải chi nhiều khoản khác cho 1 con tàu nằm bờ.

Trò chuyện với phóng viên, hầu hết thuyền viên của các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long cũng bày tỏ tâm sự là họ chấp nhận tình cảnh khốn đốn mà mình, những con tàu và chủ tàu gặp phải. Bởi du lịch "đứng bánh" không phải là chuyện riêng của những con tàu trên sóng nước Hạ Long, Bái Tử Long, mà của nhiều tỉnh thành, của cả nước và cả thế giới... Và nhìn thấy tương lai sẽ còn mờ mịt trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước cũng như các nước diễn biến phức tạp, không ít người đã rời tàu, về quê hoặc đi kiếm sống ở phương trời xa nào đó, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu ở Việt Nam.

Nguyễn Văn Hùng (quê thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) - thuyền trưởng một con tàu nghỉ đêm 5 sao, nay phải trở về với nghề truyền thống của cha ông là đi đánh lưới cá cùng người anh họ ở vùng biển Bạch Long Vỹ. Hùng bảo, những chuyến đi trên chiếc tàu xa hoa năm nào, với tiền tip của khách anh em chia nhau, ăn ngon mặc đẹp trên tàu… giờ chỉ còn là kỷ niệm, mong lắm nhưng ngày trở lại chắc còn xa.

Chủ tàu triệu đô thành con nợ

Chúng tôi đến tìm ông Nguyễn Văn Phượng - Chi hội phó Chi hội tàu du lịch vịnh Hạ Long. Nét mặt đăm chiêu, không cần giở sổ sách gì, ông Phượng vanh vách cho hay, hiện tại tổng số tàu đăng ký hoạt động dịch vụ đưa khách tham quan vịnh Hạ Long là 504 tàu. Trong đó, hơn 300 tàu phục vụ khách theo giờ, số còn lại là tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh. Ông Phượng cho biết, mỗi con tàu nghỉ đêm hạng sang có giá đầu tư trên dưới 100 tỷ đồng, tàu rẻ nhất cũng có giá từ 20-30 tỷ đồng. Những con tàu này trước đây hầu hết chỉ phục vụ khách nước ngoài. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, không có khách nước ngoài đến Hạ Long, chủ tàu phải chấp nhận hạ giá vé để phục vụ khách trong nước, tuy nhiên cũng chỉ hoạt động trong thời gian rất ngắn, gián đoạn, số lượng khách nhỏ lẻ.

Thảm cảnh tàu triệu đô trên vịnh Hạ Long (kỳ 1): Tài sản nghìn tỷ nguy cơ thành phế liệu - Ảnh 3.

Hàng chục con tàu du lịch cỡ lớn, sang trọng nằm im đã một thời gian dài tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: N.Q

Đối với những tàu phục vụ khách theo giờ, trị giá đầu tư cũng từ 5-10 tỷ đồng/tàu. Dịch Covid-19 liên tiếp trở lại khiến hàng loạt tàu chỉ chạy được vài chuyến rồi nằm bờ. Tiền đóng tàu, mua tàu chủ yếu vay ngân hàng. Tàu "treo bánh" nhưng lãi ngân hàng vẫn phát sinh, nên những ông chủ tàu mạnh tay một thời nay trở thành những đối tượng "nợ xấu".

Ông B.Đ.L - chủ một hãng tàu lớn phục vụ loại hình du lịch, nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, ngán ngẩm: "Cả năm 2020, đội tàu 6 con với trị giá con từ 50-80 tỷ đồng của tôi chỉ hoạt động được 10% công suất. Sang đến năm nay, vừa nhen nhúm hoạt động dịp hè thì lại diễn ra đợt dịch thứ 4 này. Mỗi ngày mở mắt ra lại nghĩ đến đống nợ khổng lồ, khiến anh em tôi gần như suy kiệt sức khỏe, hoang mang. Tương lai cũng không biết lấy nguồn thu đâu để trả bởi dịch chưa hết, khách chưa có, bán tàu cũng chẳng ai mua...".

Dù đã có chính sách giãn, khoanh nợ của một số ngân hàng, nhưng theo ông L, chính sách này cần có lộ trình dài hơi, chứ không phải là trong một vài tháng, để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, trả nợ. "Bởi khác với các loại hình dịch vụ khác, loại hình tàu du lịch phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch. Nếu như dịch vụ vận tải ôtô, người ta có thể xoay sang chở khách khác hoặc chở hàng, thì đặc thù của tàu này phụ thuộc 100% vào khách du lịch. Mỗi đợt dừng hoạt động tham quan, du lịch như thế này, coi như chúng tôi bị "cắt máu" chú ạ" - ông L xót xa nói.

Được biết, mới đây Chi hội Tàu du lịch vịnh Hạ Long đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đơn, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long khẳng định dịch Covid-19 xảy ra từ hơn 1 năm nay đã gây ra rất nhiều khó khăn và hệ lụy cho toàn thể các chủ tàu và người lao động. Hiện, cơ cấu nguồn vốn vay thường chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án. Chi hội Tàu du lịch Hạ Long đề xuất Chính phủ, các bộ ngành liên quan ban hành chính sách giãn thời gian, tiến độ trả nợ gốc và lãi vay đối với các dự án vay đóng tàu du lịch, thời gian đề xuất giãn từ 10 -15 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới hoặc Thủ tướng công bố hết dịch. 

(Còn nữa)