Đêm gió thức
Bản người Mông Pù Lườn (xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) nằm chon von trên đỉnh núi, phía dưới là con đường gập ghềnh đang được thi công. Từ chân núi nhìn lên, trong trùng trùng bóng tối, những ngôi nhà leo lét sáng, thể như đom đóm lập lòe.
22h, bản người Mông Pù Lườn đã chìm trong giấc ngủ. Lác đác một vài ngôi nhà còn để điện như chờ khách đường xa. Vàng Văn Sùng hôm nay chạy hơn trăm kilômét đường rừng tìm mua chim cho khách vẫn chưa về. Gió lộng mang hơi nước phả lên mặt khiến những người lần đầu tiên làm khách đường xa nhà Sùng như chúng tôi nhồn nhột.
Anh bạn đi cùng bảo, ở đây nếu không có việc gì, gà vào chuồng, người Mông cũng lên giường hết rồi. Cả ngày quần quật trên nương rẫy, đi mấy chục kilômét tìm mua trâu, bò, cái chân đã run, cái đầu đã mệt, đôi mắt không chống nổi cơn ngủ đâu.
Nhà của Vàng Văn Sùng nằm chênh vênh trên trán nương. Đó là một ngôi nhà cấp 4 khang trang vào loại nhất nhì vùng. Nhưng để lên được đến nhà Sùng, chúng tôi phải đi theo một lối mòn nhỏ, luồn trong nương ngô, cứ vậy ngước mặt nhằm nơi có bóng sáng mà lần tới.
Từng đợt gió hú rít đuổi phía sau, những đọt ngô lay chuyển như sóng chạy tràn lên đỉnh núi. Sương cũng đã từng vốc chụm lại, tan ra như bóng ma chập chờn; cảm giác như có cả ngàn người đang rượt đuổi phía sau chúng tôi. Khi người Mông ngủ, cả núi rừng chừng như lại thức.
Không biết bao lâu, chân run, gối mỏi, chúng tôi cũng đến trước hiên nhà Sùng. Vàng Văn Sùng chưa về, cửa nhà khép hờ, phía trong, một bé trai chừng 12 tuổi ngáy o o, không hề biết đến sự hiện diện của những khách đường xa trong ngôi nhà có lẽ đã lâu chưa có người lạ lần đến.
Anh bạn đi cùng chúng tôi bảo, trên này khi người Mông ngủ là giờ gió thức. Nói là vậy, chứ trên cao dễ đến cả nghìn mét như Pù Lườn thì khi nào gió cũng thức, chứ mấy khi ắng lặng bao giờ.
"Tivi" của người Mông
0h, Vàng Văn Sùng về đến nhà. Trước khi Sùng về, chúng tôi đã đánh vật với chiếc tivi nhà Sùng chừng 2 tiếng đồng hồ mà không tài nào tìm ra kênh phát bóng. Biết chuyện, Sùng cười bảo, không có đâu, tivi nhà mình xem các kênh khác thì được, chứ không xem được bóng đá EURO.
"Người Mông trên này nhà nào cũng vậy cả, thích xem thì tìm nơi nào có sóng rớt mà mở điện thoại, căng mắt dò tìm. Tivi xem bóng đó của người Mông chính là những chiếc smartphone", Sùng cười.
Sau một hồi dò sóng, khi trận bóng giữa Xứ Wales và Đan Mạch đã bước sang nửa hiệp 2, màn hình chiếc smartphone cũng dần ổn định, không dừng hay vấp hình nữa. Sùng vui lắm, rút điện thoại gọi đi đâu đó.
Chừng 10 phút sau, nhà Sùng có thêm hai người. Lúc này đã gần 1h sáng. Chạm nhau ánh mắt, gật nhau cái đầu rồi ai vào vị trí đó, ngồi chăm chú dõi theo trận bóng đá EURO qua chiếc smartphone đặt trên đôn gỗ do Vàng Văn Sùng tự chế.
Ngoài nhà, gió vẫn từng chặp hú rít quẩn sương mà phía trong lặng phắc. Những đôi mắt vẫn chăm chú dõi nhìn vào màn hình chiếc điện thoại bé tẹo, không hò hét dậy trời, mà trầm mặc như núi rồi thót giật mình mỗi lúc bóng bay sát sạt cầu gôn.
Cái sự xem bóng đá Euro của người Mông ở Pù Lườn cũng rất khác, không thiên vị, mà nín thở trong tất cả các pha bóng của trận đấu. Cảm giác chừng như bên nào thủng lưới, người Mông cũng buồn, dù biết trong đá bóng phải có kẻ thắng - người thua.
Căng thẳng nhất là trận bóng giữa hai đội Italia và Áo. Tưởng như trong nhà Vàng Văn Sùng không một hơi thở, tất cả nín lặng, hồi hộp, lo lắng… Cho đến khi hiệp phụ thứ 2 kết thúc, mới bắt đầu có tiếng bàn luận khe khẽ của người xem.
Kết thúc trận bóng, nhấp chén trà, anh Vàng Văn Lềnh (cùng thôn Pù Lườn) cho biết rất thích xem bóng đá EURO nhưng trên này không bắt được, thi thoảng mới được xem qua điện thoại thôi.
"Bình thường người Mông mình đi làm cả ngày trên nương, tối về mệt mỏi nên ngủ sớm. Ít khi xem bóng đá EURO lắm. Ở đây sóng điện thoại nhiều chỗ còn chưa có nên nhiều hạn chế", anh Lềnh nói.
Chị Hoàng Thị Me (vợ anh Lềnh) hôm nay cũng cùng chồng đến nhà Vàng Văn Sùng xem bóng đá EURO. Chị Me còn chu đáo mang theo một con gà luộc để mấy anh em xem trận bóng đá EURO muộn có cái lót dạ cho đỡ đói.
Không xem trực tiếp thì xem "nguội"
Vàng Văn Sùng là thầy giáo, dạy ở một điểm trường trên bản Mông, cách nhà chừng 7km. Sùng kể, ngày còn là học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Bắc Kạn, Sùng là thành viên đội tuyển bóng đá của trường, từng tham dự Festival tại tỉnh Bắc Giang, đến giờ vẫn còn mê bóng lắm.
Kể về những vất vả của đồng bào Mông, Vàng Văn Sùng bảo, bản Pù Lườn có 70 hộ, chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp.
"Trên này có đất, có rừng, người Mông mình cũng chăm chỉ làm ăn, nuôi bò vỗ béo để mang đi các phiên chợ trâu bò bán. Cái khó của người Mông mình trên này là tri thức. Hạn chế về tri thức khiến cho việc phát triển kinh tế không được tốt lắm.
Biết được những hạn chế đó, những năm gần đây, người Mông ở Pù Lườn và một số bản lân cận như Lủng Pạp, Nà Lài, Nà Đăm đã không để con bỏ học. Tỉ lệ học THPT, THCS và tiểu học khá cao, dù trường học cách xa đến vài kilômét, thậm chí hơn 20km nếu học đến bậc THPT", Vàng Văn Sùng cho biết thêm.
Theo Vàng Văn Sùng, người Mông ở Pù Lườn trước đây đi lại rất khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, hiện nay con đường mòn hơn 4km lên bản đang được bêtông hóa. Tuy còn nhiều đoạn chưa hoàn thiện, nhưng đi lại cũng đã thuận tiện hơn nhiều.
Nhờ đó mà bà con ở các bản Lủng Pạp, Nà Lài, Nà Đăm và Pù Lườn có thể mang những sản phẩm nông sản của mình hay dắt trâu, dắt bò xuống chợ. Nhờ vậy, cuộc sống người dân trên non cao này đã ít nhiều có sự đổi thay.
Vàng Văn Sùng cùng Vàng Văn Lềnh bảo, mong muốn của mình bây giờ là được xem trọn vẹn mùa giải EURO này. Sóng 3G yếu quá, mà cái này không khắc phục được. Muốn lắp mạng Internet để xem EURO nhưng trên này xa trung tâm, các nhà lại cách nhau có khi cả quả đồi nên cũng đành ao ước vậy thôi.
Cứ sau mỗi trận cầu nảy lửa của mùa giải EURO năm nay, những người mê bóng đá như Vàng Văn Sùng sớm dậy lại mau mắn xuống núi, hoặc ra một góc nào đó dò sóng 3G xem kết quả trận đấu.
Lịch thi đấu Vàng Văn Sùng nói vanh vách, tỷ số các trận đều nhớ trong đầu, mỗi tội không thể xem trực tiếp. "Không xem trực tiếp thì xem 'nguội' cũng được. Mà cũng chỉ có cách này thôi", Vàng Văn Sùng cười.
Chúng tôi rời Pù Lườn, lúc này đã hơn hơn 4h sáng. Trăng vẫn tỏ lối, gió vẫn từng chặp lùa lên đỉnh non nhưng đã dịu hơn lúc đầu hôm, rớt lại phía sau đôi ba tiếng gà rừng tạch tè gáy sáng, kết thúc một đêm trọn vẹn xem bóng đá EURO cùng người Mông trên non cao này.