Sáng dậy từ lúc 5h, 6h bắt tay vào làm công việc lát gạch vỉa hè tới tận 10h30 sáng mới kết thúc, chiều thì bắt đầu từ 2h30 tới 6h, đó là công việc thường nhật của anh Nguyễn Văn Đông, 50 tuổi (quê Nam Định) trong mấy ngày nay.
Vốn là công nhân trong công ty chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ nhưng đầu năm 2020, khi cả nước hứng chịu dịch Covid-19 thì công ty anh Đông làm bị phá sản. Mất việc, tuổi nhiều nên anh không có khả năng xin việc trong các công ty khác. Chính bởi vậy, anh lên Hà Nội làm lao động tự do.
Đầu năm 2021, anh lên Hà Nội tìm việc. Những ngày đầu, anh cùng mấy người bạn ở quê ngồi cả ngày ở chợ Hà Đông mà không có ai thuê. Đang tính về lại quê thì được người quen giới thiệu đi làm thợ xây, lát gạch vỉa hè cho cai thầu ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
"Biết là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, công việc vất vả, nguy hiểm nhiều nhưng cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi phải kiếm tiền nuôi vợ ốm, hai con nhỏ đang tuổi học hành ở quê nên ai giới thiệu việc gì thì làm thôi", anh Đông tâm sự.
Gạt những giọt mồ hôi túa ra trên gương mặt, anh Đông tấp vào bóng mát ít ỏi từ đống gạch bên vỉa hè ngồi uống cốc nước, hút điếu thuốc lào. Anh tâm sự thêm: Vì hoàn cảnh khó khăn, nghề nghiệp không có, nên ai thuê gì anh làm đó. Có lúc chạy xe ôm, có lúc thì bốc vác, có lúc lát gạch vỉa hè, trộn hồ... không ngại công việc nào hết.
"Công việc lát gạch vỉa hè này tuy vất vả, thường xuyên phải ngồi dưới thời tiết nắng nóng nhưng thu nhập cũng khá. Mỗi ngày công, tôi được thợ cả trả 350 nghìn đồng. So với công việc bốc vác, chạy xe ôm thì công việc này ổn định hơn, thu nhập cũng cao hơn", anh Đông nói.
Hiện tại, anh cùng 5 người bạn đang được nhận làm công trình sửa vỉa hè hư hỏng tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Công việc kéo dài 1 tháng. Kết thúc công trình này thì chưa biết sẽ làm việc gì tiếp. Nếu không có việc, anh về nhà thăm vợ con.
Không may mắn như anh Đông, nhiều lao động khác, dù chấp nhận làm đủ công việc nhưng vẫn "ế" khách. Đây cũng là thực trạng chung của cánh lái xe ôm truyền thống, hay mấy lao động bốc vác ở chợ Long Biên (Hà Nội) kể từ khi có dịch Covid -19.
Ông Lê Trọng Lý (52 tuổi, phố chùa Láng, Hà Nội) cho biết, kể từ đầu năm ngoái, cánh lái xe ôm, nhất là xe ôm truyền thống đã thất nghiệp khá nhiều. Năm nay, dù Hà Nội không phải giãn cách, lái xe vẫn được hoạt động nhưng số lượng người di chuyển cũng ít hơn hẳn.
"Vì nhiều tuổi rồi, ít sử dụng công nghệ nên tôi chỉ chạy xe ôm truyền thống. Từ sáng tới giờ chưa được cuốc nào nên đứng đây (đường Láng - phóng viên) chơi với mấy ông bạn làm nghề lắp ống nước, bốc vác", ông Lý nói.
Cũng may nhà Hà Nội, các con đều trưởng thành nên vợ chồng ông không bị gánh nặng mưu sinh. Dù không có lương hưu nhưng hai vợ chồng cố gắng làm lụng cũng có chút tích lũy nên không phải chạy ăn từng bữa.
Với công việc chạy xe ôm, ngày nào đông khách thì kiếm được 200-300 nghìn đồng, ngày nào vắng thì được vài chục, 100 nghìn đồng là khá. Như hôm nay, từ sáng tới trưa ông Lý chưa được một khách nào.