Từ đầu tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những ca lây nhiễm phức tạp, các khu du biển ở Thanh Hóa cũng trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Kéo theo đó, nhiều dịch vụ du lịch rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ế ẩm, từ kinh doanh nhà hàng, khách sạn đến những dịch vụ vận tải hành khách như xe điện, taxi…
Dạo một vòng quanh khu du lịch biển thanh phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe điện nằm im lìm dọc hai bên đường ven biển Hồ Xuân Hương.
Dịch vụ xe điện những năm trước đây vốn nhộn nhịp hơn cả thì bây giờ, xe phải chịu cảnh nằm "đắp chiếu" còn người lái xe thì thất nghiệp. Đây chủ yếu là người địa phương, từ khi du lịch phát triển, họ sống nhờ vào nghề lái xe điện chở khách du lịch để kiếm kế sinh nhai.
Làm nghề dịch vụ xe điện tại khu du lịch biển Sầm Sơn được 5 năm, nhưng đây đã là năm thứ hai, ông Nguyễn Hữu Bình (sinh năm 1970) "nhàn rỗi" vì không có khách.
Ông Bình cho biết, đặc thù của ngành du lịch biển là hoạt động chủ yếu vào những tháng hè, đồng nghĩa với việc đây là thời điểm những người làm dịch vụ lái xe điện như ông phải tranh thủ để kiếm thêm thu nhập.
"Trước đây, vào những tháng cao điểm đông khách du lịch, mỗi ngày chúng tôi kiếm được vài triệu là bình thường. Còn bây giờ, mặc dù đã gần hết ba tháng hè nhưng khách du lịch vẫn chỉ lèo tèo. Mấy tháng nay, tôi gần như không kiếm chác được gì. Chưa bao giờ chúng tôi thấy khó khăn như vậy", ông Bình chia sẻ.
Mặc dù thời gian này đang là giữa mùa du lịch, những lái xe như ông Bình, nhiều năm về trước làm không hết việc thì bây giờ chỉ còn biết ngồi than trời. "Vì làm tự do nên tôi không đóng bảo hiểm, giờ thất nghiệp cũng không thể trông chờ vào một khoản trợ cấp nào. Tình trạng này nếu còn tiếp tục kéo dài, tôi chưa biết phải xoay sở kiểu gì. Ở độ tuổi của tôi, nếu không lái xe điện, tôi cũng không biết phải làm nghề gì khác", ông Bình tâm sự.
Không chỉ riêng ông Bình, chị Cao Thị Thường (sinh năm 1988), làm dịch vụ xe điện ở Sầm Sơn đã 10 năm nay cho biết, từ khi xe điện được du nhập vào thành phố Sầm Sơn đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương sống quanh khu du lịch.
Theo chị Thường, lái xe điện tuy là một nghề vất vả, phải chịu nắng suốt ngày nhưng đổi lại thu nhập cao khiến nhiều người lựa chọn nghề này để làm. Mỗi vụ hè, sau khi trừ chi phí thì chiếc xe điện cũng đem về nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng cho 3 tháng. Tuy nhiên, thường Sầm Sơn chỉ đón khách trong 3 tháng từ tháng 4 tới tháng 7 là hết mùa du lịch.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, "cánh lái xe" rơi và tình trạng "đói khách" do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Thường cho biết: "Những ngày này, khách tới tắm biển chủ yếu là người dân địa phương và các vùng lân cận. Họ tự đi xe đến tắm xong ăn uống, nghỉ ngơi rồi về. Chỉ có khách ở tỉnh ngoài tới đây, ở lại dài ngày thì họ mới gọi xe điện làm phương tiện di chuyển. Nhưng hiện tại, dạng khách này hầu như không có nên chúng tôi coi như thất nghiệp".
Xoay đủ nghề để mưu sinh
Qua tìm hiểu của PV, xe điện hoạt động trên địa bàn thành phố Sầm Sơn chủ yếu theo hình thức nhượng quyền. Lao động phải trả cho công ty một khoản tiền tiền từ 100 – 150 triệu đồng/ xe (tùy thuộc chất lượng xe). Ngoài ra, mỗi năm lái xe phải đóng thuế cho công ty từ 7 – 10 triệu đồng/năm. Hai năm nay, do dịch vụ xe điện không làm ăn được nên các công ty cũng đã miễn thuế cho các chủ xe.
Nghề lái xe điện là công việc lao động tự do, vì vậy ngoài số tiền công lái xe thu được của khách từ mỗi chuyến xe, họ không hưởng thêm bất cứ chế độ nào. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều người từ trước tới nay chỉ trông chờ vào khoản thu nhập chính này trở nên lao đao, chật vật tìm nghề khác để mưu sinh.
Trước đây, vợ chồng chị Cao Thị Thường (Sầm Sơn, Thanh Hóa) đều làm nghề lái xe điện, thu nhập ổn định, kinh tế gia đình khấm khá. Hiện nay, nguồn thu nhập này không còn khiến vợ chồng chị phải xoay đủ nghề kiếm sống.
Trời gần trưa, đường phố Sầm Sơn vẫn đìu hiu, vắng vẻ. Trời mỗi lúc một nắng gay gắt, chị Thường nổ máy xe chuẩn bị trở về nhà, gương mặt hiện rõ sự mệt mỏi và thất vọng. "Từ năm ngoái khi dịch Covid-19 bùng phát, khách du lịch giảm, chồng tôi chuyển sang làm phụ hồ còn tôi vẫn chạy xe. Thỉnh thoảng, tôi đi nhặt cá thuê cho làng chài gần đây để kiếm thêm thu nhập nuôi hai con ăn học. Cứ cái đà này có khi tôi cũng phải bán xe, xin vào làm tại các công ty giày da, may mặc, tháng kiếm 5 – 7 triệu mới đủ chi phí trang trải cuộc sống", chị Thường nói.
Dịch vụ xe điện ế ẩm, nhiều lái xe muốn chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực khác nhưng ngặt nỗi, họ lại không thể vay vốn ngân hàng. "Bây giờ muốn đi vay vốn ngân hàng làm việc khác cũng không được, vì mình thất nghiệp, không có thu nhập thì ngân hàng không cho vay", chị Nguyễn Thị Thanh (lái xe điện tại Sầm Sơn) chia sẻ.
Được biết, trên địa bàn thành phố Sầm Sơn hiện nay có khoảng hơn 500 xe điện phục vụ hoạt động dịch vụ đưa đón khách. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đang ảnh hưởng không nhỏ đến những người làm loại dịch vụ vận tải hành khách này tại thành phố biển Sầm Sơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.