Thu nhập người dân đạt 2.000USD/năm
Do tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nên việc tổ chức lễ đón nhận TP.Tam Kỳ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020 tạm hoãn mà chỉ tổ chức công báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với sự công nhận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh cũng đã ký Quyết định 1155 về việc tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và tặng thưởng công trình phúc lợi 2 tỷ đồng cho TP.Tam Kỳ sau khi hoàn thành NTM.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, ngay sau khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thành lập hệ thống quản lý chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình từ thành phố đến xã, thôn, đảm bảo hoạt động xuyên suốt; đặc biệt là được sự thường xuyên quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, các cấp ủy Đảng; sự quản lý điều hành của chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ thành phố đến xã, thôn nên góp phần quan trọng thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình.
"Giai đoạn 2021-2025, Tam Kỳ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM đối với 4 xã. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu của các thôn đã đạt chuẩn. Phấn đấu 100% thôn của 4 xã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu".
Ông Nguyễn Minh Nam -
Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ
TP.Tam Kỳ có 13 đơn vị hành chính, gồm 9 phường, 4 xã, với diện tích đất tự nhiên là 9.397ha; dân số là 122.443 người. Khi xây dựng NTM (năm 2010), bình quân tiêu chí của các xã trên địa bàn thành phố là 1,5 tiêu chí/xã. Xuất phát điểm khi xây dựng NTM rất thấp, đời sống còn khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa đạt chuẩn, khối lượng còn lại rất lớn. Trong đó có 2 xã nghèo bãi ngang ven biển được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 257 của Chính phủ giai đoạn 2011-2015 (Tam Thăng và Tam Thanh).
Từ khi triển khai NTM đến nay, kết quả huy động nguồn lực trên địa bàn thành phố (2010-2020) đạt tỷ lệ cao, trong đó tổng kinh phí đã thực hiện 351.281 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 256.900 triệu đồng, chiếm 73,13%; vốn vay tín dụng 44.891 triệu đồng, chiếm 12,78%; vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác 26.366 triệu đồng, chiếm 7,51%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư (quy ra giá trị) 23.124 triệu đồng, chiếm 6,58%...
Do thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ đã ban hành nên giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng qua các năm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng mạnh, năm 2007 là 35 triệu đồng, năm 2015 là 67,2 triệu đồng và đến nay đạt khoảng 137 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn 4 xã đến cuối năm 2020 đạt 48,54 triệu đồng (tăng 36,655 triệu đồng so với thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng).
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 4 xã năm 2020 xét theo chuẩn NTM là 18 hộ chiếm tỷ lệ 0,21%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,7%; tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn 4 xã là 17.296/17.331 lao động, đạt 99,79%...
Nhờ sự tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thành lập hệ thống quản lý, điều hành thực hiện Chương trình từ thành phố đến xã, thôn, đảm bảo hoạt động xuyên suốt; đặc biệt là được sự thường xuyên quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, các cấp ủy Đảng đã giúp 4 xã của Tam Kỳ đạt chuẩn NTM. Cụ thể, các xã Tam Thăng, Tam Ngọc được công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2015; xã Tam Thanh được công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2017; xã Tam Phú được công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2018. Và đến nay, TP.Tam Kỳ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
"Trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân từ thành phố, đến xã thôn đã tập trung quan tâm đến phát triển sản xuất trong xây dựng NTM gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Quy mô sản xuất của từng loại cây, con trên từng địa bàn cụ thể gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và liên kết với doanh nghiệp, nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn..." - ông Nam chia sẻ.
Phấn đấu Tam Kỳ đạt đô thị loại I năm 2025
Cũng theo lãnh đạo Tam Kỳ, bên cạnh việc phát triển kinh tế kèm với nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng khá, tạo ra giá trị sản xuất chiếm 65% giá trị công nghiệp toàn thành phố, giải quyết được 14.500 lao động.
Tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và phối hợp các ngành của UBND tỉnh đăng ký danh mục 31 dự án đầu tư sử dụng đất năm 2019, trong đó 24 dự án sử dụng đất thuộc lĩnh vực phát triển nhà ở thương mại, 7 dự án sử dụng đất thuộc lĩnh vực khác. Lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án trường học, 1 khu du lịch nghỉ dưỡng. 4/4 xã đều có các tổ hợp tác, HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012...
Riêng về xây dựng "xã NTM nâng cao" và "xã NTM kiểu mẫu", UBND thành phố đã đăng ký xã Tam Thanh phấn đấu xây dựng đạt chuẩn "Xã NTM kiểu mẫu" và xã Tam Ngọc phấn đấu xây dựng đạt chuẩn "Xã NTM nâng cao" vào năm 2020.
Còn đối với Chương trình OCOP được triển khai tích cực; theo đó đã hướng dẫn, tập huấn cho các chủ thể sản xuất kinh doanh đăng ký, xây dựng các phương án sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đến cuối năm 2019 có 7 sản phẩm được công nhận; năm 2020 có thêm 8 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng...
"Thời gian tới, Tam Kỳ tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nhanh và bền vững. Đặc biệt, căn cứ vào định hướng xây dựng TP.Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và xây dựng đô thị xanh, thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030..." - ông Nam cho biết.