Dự án "Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp" do FAO tài trợ 400.000 USD và kéo dài trong 2 năm (2021-2023).
Dự án nhằm hỗ trợ xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về sức khỏe cây trồng (NPHS) và kế hoạch quốc gia về quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng (NP-IPHM) 2021-2025.
Dự kiến NPHS và NP-IPHM sẽ giúp quản lý một cách toàn diện và có hệ thống dịch hại xuyên biên giới, ứng phó với nguy cơ dịch hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, lồng ghép sức khỏe cây trồng, dinh dưỡng cây trồng, an toàn thực phẩm, chất lượng và dinh dưỡng...
Vì thế, hội thảo khởi động dự án là cơ hội để thảo luận kế hoạch thực hiện và cơ chế điều phối giữa các đối tác thực hiện dự án và nâng cao nhận thức của các bên liên quan về cách tiếp cận tổng hợp đối với quản lý sức khỏe cây trồng.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Yubak, GC – Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của FAO nhận định, trong ba thập kỷ vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn về sản lượng, đặc biệt là năng suất và hiệu quả.
Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu hàng đầu về lương thực và một số hàng hóa khác như gạo, điều, hồ tiêu, cà phê, sắn và thủy sản.
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức căn bản như năng lực cạnh tranh thấp, dịch bệnh, môi trường chưa bền vững và biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đã làm thay đổi hệ sinh thái, khiến suy giảm đa dạng sinh học, làm cho sức khỏe cây trồng đối mặt với nhiều mối đe dọa ngày càng lớn.
Cùng với đó, an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất và kháng sinh cũng như quan ngại về chất lượng là các rào cản phổ biến đối với nông sản thực phẩm của Việt Nam khi tiếp cận thị trường tiêu chuẩn.
Đặc biệt, thâm canh, độc canh, sử dụng hóa chất quá mức, ô nhiễm đất và nước và biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng hổi tác động tới mục tiêu sản xuất và tiếp cận thị trường bền vững.
"Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận sức khỏe cây trồng sẽ giúp giải quyết toàn diện các vấn đề này nhằm hỗ trợ nông dân bảo vệ cây trồng, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho tất cả mọi người, và bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái" - TS. Yubak, GC chia sẻ.
Sức khỏe cây trồng là cách tiếp cận mới, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng cường hợp tác công-tư theo định hướng của Đảng, Chính phủ Việt Nam hiện nay.
TS. Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do FAO tài trợ vào những năm 1990 rất có ý nghĩa, hiệu quả và tạo ra tác động rất lớn.
Chính phủ Việt Nam đã đưa nội dung IPM thành một trong những nguyên tắc và yêu cầu cơ bản của quản lý dịch hại trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013.
Bộ NNPTNT đã phê duyệt và thực hiện "Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020".
Vì thế, dự án "Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp" sẽ thí điểm một phương pháp tiếp cận mới và nếu thành công thì phương pháp này sẽ giúp chúng ta cải tiến được hệ thống bảo vệ thực vật.
Với mục đích tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật, ngày 29/4/2021, Bộ NNPTNT đã phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp" do Tổ chức lương thực thế giới (FAO) tài trợ với tổng nguồn vốn 400.000 USD, trong đó Cục Bảo vệ thực vật là chủ dự án.