Giá phân bón tăng cao, nông dân chóng mặt, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị doanh nghiệp làm ngay việc này

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 22/06/2021 10:18 AM (GMT+7)
Giá phân bón tăng cao chưa từng có do giá nguyên liệu tăng, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa do dịch Covid-19. Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), trước tình hình này, Cục đã có đề xuất các doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu phân bón.
Bình luận 0

Giá phân bón tăng chóng mặt

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón tăng phi mã trong 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá phân DAP, urê tăng khá cao. 

Số liệu của World Bank cho biết, giá DAP trong tháng 4/2021 tăng 54% so với tháng 9/2020, giá phân urê tăng 62%, kali tăng 45%.

Nguyên nhân chính khiến giá phân bón tại Việt Nam tăng cao xuất phát từ việc giá nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới tăng mạnh, thậm chí có những nguyên liệu chính sản xuất phân DAP như lưu huỳnh tăng tới 60% so với thời điểm tháng 9/2020.

Giá phân bón tăng cao, nông dân chóng mặt, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị doanh nghiệp ngừng xuất khẩu - Ảnh 1.

Giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân. Trong ảnh: Bán phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. (Ảnh: Khánh Trung, Báo Cần Thơ).

Theo ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), chu kỳ giá của phân bón cứ khoảng 10 năm sẽ có độ tăng, năm nay cũng giống như năm 2008 là chu kỳ giá đi lên.

"Việc giá phân bón tăng có rất nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất, so với cùng kỳ năm ngoái, giá vận chuyển hàng container đã tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, phân bón về Việt Nam gồm có DAP, MAP và urê  thì hầu hết được vận chuyển bằng container" - ông Ngọc nói.

Trong khi đó, Trung Quốc có chính sách đánh thuế xuất khẩu phân urê khi nhu cầu sử dụng trong nước cao. 

"Hiện nay thuế xuất khẩu urê của Trung Quốc đang là 30%, trong khi đó, Ấn Độ đang vào vụ nên nhu cầu sử dụng phân bón tăng mạnh, nguồn cung urê ở Đông Nam Á rất thấp, tất cả những yếu tố đó đã đẩy giá phân bón thế giới lên mức cao, giá phân bón của Việt Nam cũng chịu tác động rất lớn" - ông Ngọc thông tin.

Giá phân bón tăng cao, đề nghị tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ

Đánh giá về việc giá phân bón tăng cao từ đầu năm đến nay, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn nên giá phân bón tăng mạnh từ đầu năm đến nay là do tác động từ thị trường phân bón thế giới.

"Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp buộc một số nhà máy sản xuất phân bón trên thế giới phải đóng cửa, những nhà máy còn hoạt động trong điều kiện dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế hơn. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, có những loại như amoniac, lưu huỳnh tăng tới 50 - 120% so với cùng kỳ" - ông Hoàng Trung nói. 

Giá phân bón tăng cao, nông dân chóng mặt, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị doanh nghiệp ngừng xuất khẩu - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất Đạm Phú Mỹ. (Ảnh: I.T)

Ngoài ra, theo ông Hoàng Trung do dịch bệnh Covid-19 nên logistics cũng đứt gãy nhiều công đoạn, chi phí tăng cao, cước phí vận chuyển tăng 3 - 5 lần khiến đội giá phân bón lên.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng việc phân phối phân bón còn bất cập, tạo ra khan hiếm giả ở một số nơi.

Ông Hoàng Trung cho biết, trước tình hình giá phân bón tăng cao, ngay từ đầu tháng 4/2021, Bộ NNPTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật đánh giá lại tình hình sản xuất, giá phân phối các sản phẩm phân bón để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân.

"Chúng tôi yêu cầu các nhà máy sản xuất tối đa công suất, công khai niêm yết giá phân bón, yêu cầu doanh nghiệp trong thời gian này không xuất khẩu phân bón, các doanh nghiệp cũng cam kết chung tay, đồng hành cùng người dân không làm ảnh hưởng đến sản xuất" - ông Hoàng Trung thông tin thêm.

Theo ông Hoàng Trung, nếu so sánh giá phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước với giá phân bón nhập khẩu thì phân bón sản xuất trong nước vẫn rẻ hơn nhiều.

Ví dụ, phân DAP do doanh nghiệp trong nước sản xuất giá chỉ 9,5  - 10,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá phân bón nhập khẩu là 14,5 triệu đồng/tấn.

Ông Hoàng Trung cũng khẳng định, nguồn phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân luôn được đảm bảo, còn việc giá phân bón tăng chủ yếu là do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. 

"Trước tình hình đó, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn người dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ mà sử dụng phân bón tiết kiệm, sử dụng theo nguyên tắc "5 đúng". Khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ để có sản phẩm an toàn, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái đất" - ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Được biết, hiện năng lực sản xuất phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp đang rất tốt, năm 2020 đạt 2,63 triệu tấn, nhu cầu của người dân với phân bón hữu cơ cũng ngày một tăng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem