Nông dân tăng thu nhập
Xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện từng là điểm "nóng" về tình trạng bỏ ruộng hoang khi nhiều hộ dân viết đơn xin trả lại đất 03 vì không kham nổi tiền sản lượng. Thế nhưng sau dồn điền, đổi thửa, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì mọi thứ đã đổi khác. Những cánh đồng rau màu mỡ màng cho hiệu quả gấp 3-4 lần cấy lúa khiến nông dân ở đây gắn bó với đồng ruộng hơn. Cũng từ đó, nông dân làm ăn bài bản hơn, một số hộ liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trương Mậu Nhân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết, ngày trước bà con canh tác manh mún, nhỏ lẻ và đa phần chỉ cấy lúa nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2016, khi địa phương được hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, người dân đã quy vùng, lựa chọn những cây trồng phù hợp để canh tác. Hiện xã đã chuyển đổi 60ha lúa sang trồng rau màu cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha/năm.
Theo bà Phạm Thị Đào, thời gian tới, Hải Dương sẽ tập trung chuyển đổi sang các cây trồng chủ lực có thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, mở rộng diện tích sản xuất cây rau, cà chua và một số loại cây ăn quả chủ lực như cam, ổi, vải, nhãn, chuối, thanh long, táo, hồng xiêm, mít, bưởi... Kết hợp giữa quy hoạch diện tích với kỹ thuật thâm canh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chuyển 5 sào từ cấy lúa sang trồng táo, mít, hồng xiêm, ông Nguyễn Tiến Thịnh (ở thôn Triệu Thái, thị trấn Thanh Miện), chia sẻ: "Quyết định chuyển đổi của gia đình tôi là đúng đắn". Theo đó, đất ruộng của gia đình ông Thịnh là đất sét, bạc màu, năng suất lúa rất thấp. Từ năm 2017, ông đầu tư 20 triệu đồng cải tạo ruộng, tôn cao bờ trồng cây ăn quả. Giờ đây mỗi vụ ông thu lãi từ 50-60 triệu đồng mà ít phải tốn công chăm sóc như cấy lúa.
"Chúng tôi chuyển đổi không phải tự phát mà có sự định hướng của chính quyền địa phương nên cũng yên tâm hơn. Kết quả hiện tại cho thấy việc chuyển đổi là hợp lý, bà con ai nấy đều phấn khởi vì có thể sống dựa vào đồng ruộng"- ông Thịnh nói.
Tại xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, nhờ việc thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau màu tập trung đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho nhiều hộ gia đình nơi đây.
Chị Trần Thị Liên cho biết, gia đình trồng gần 20 sào, bắp cải, súp lơ… Mỗi năm trừ chi phí, chị thu về gần 100 triệu đồng. "Trước đây thửa ruộng này nhà tôi trồng lúa, nhưng do đây là khu đất cao, thường xuyên mất nước, cấy cày rất khó khăn. Từ khi UBND xã chủ trương quy hoạch thành vùng sản xuất rau màu tập trung, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng bắp cải, su hào, súp lơ… thu nhập tăng lên nhiều" - chị Liên chia sẻ.
Chuyển đổi hiệu quả
Theo bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong giai đoạn 2018 - 2020, Hải Dương đã chuyển đổi 1.100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và hơn 1.500ha sang trồng cây lâu năm.
Đáng chú ý, sau khi thực hiện chuyển đổi sang cây trồng hàng năm, các mô hình đều cho thu lãi cao. Đơn cử như mô hình trồng củ đậu cho thu 160 - 200 triệu đồng/ha; sắn dây 160 - 190 triệu/ha; dưa các loại 111 - 190 triệu/ha; rau các loại 115 - 157 triệu đồng/ha.
Đối với cây lâu năm, đều cho lãi cao hơn khá nhiều so với trồng lúa, như mô hình trồng cam 260 - 346 triệu đồng/ha; thanh long 215 - 255 triệu/ha; ổi 231 - 297 triệu/ha; nhãn 145 - 185 triệu đồng/ha; táo, hồng xiêm, mít 115 - 185 triệu đồng/ha; chuối 116 -165 triệu đồng/ha; cây lâu năm khác 100 - 200 triệu đồng/ha, thấp nhất là vải cũng đạt 83 - 190 triệu đồng/ha.
Cũng theo bà Đào, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi khoảng 4.500ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. "Để thực hiện được mục tiêu này, Hải Dương đã xây dựng kế hoạch dài hạn hỗ trợ nông dân khi thực hiện chuyển đổi. Mặt khác tạo cơ chế thông thoáng, điều kiện để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng" - bà Đào cho biết.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ sản xuất các sản phẩm có lợi thế của tỉnh để tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, theo bà Đào khó khăn gặp phải hiện nay, đó là việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Diện tích chuyển đổi gắn với liên kết doanh nghiệp để sản xuất - tiêu thụ còn hạn chế, chưa chủ động được đầu ra và giá cả sản phẩm.
Cùng với đó, diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, nông dân chưa mạnh dạn đầu chuyển đổi, thâm canh sang cây trồng khác. Do đó, trong thời gian tới cần có kế hoạch khuyến khích chuyển đổi với diện tích tập trung, nhằm thuận lợi trong công tác chăm sóc, quản lý, kêu gọi đầu tư gắn với chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.