Nam Định: Bỏ lương công nhân về quê nghèo nuôi ba ba vài chục vạn con, 8X đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm

Phạm Anh Thứ tư, ngày 30/06/2021 05:32 AM (GMT+7)
Với quy mô rộng hơn 3ha, mỗi năm trang trại nuôi ba ba của anh Mai Quốc Huy (36 tuổi) ở xóm 11, xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định xuất bán trên 10 tấn ba ba thương phẩm và hơn 50 vạn ba ba giống, mang về doanh thu nhiều tỷ đồng.
Bình luận 0

Bỏ làm công nhân về quê nuôi ba ba

Được sự giới thiệu của một vị cán bộ huyện Giao Thủy, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi ba ba của anh Mai Quốc Huy ở xóm 11, xã Giao An. 

Trang trại rộng hơn 3 ha, đang nuôi hàng chục vạn con ba ba to nhỏ các loại, dù thuê thêm rất nhiều người làm nhưng hầu như mọi việc đều do một tay anh Huy quán xuyến.

Nam Định: Bỏ làm công nhân về quê nuôi ba ba, 8x đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 1.

Anh Mai Quốc Huy ở xóm 11, xã Giao An, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đang thành công với mô hình nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản.

Hôm chúng tôi đến là đúng lúc gia đình anh Huy đang bận rộn cho ba ba ăn. Bên chén trà nóng, anh Huy tâm sự, trước kia anh làm công nhân trong tỉnh Bình Dương.

Nam Định: Bỏ làm công nhân về quê nuôi ba ba, 8x đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 2.

Ao nuôi ba ba được xây dựng kiên cố, giữa các ao nuôi có lối đi đủ rộng đế thuận tiện cho vận chuyển thức ăn đến từng ao .

Chán cảnh xa nhà, làm quần quật mà mãi không khá, hầu như không dành dụm được tiền bạc, cả năm cũng chả đi đâu xa, không quen biết thêm ai. Từ đó, anh Huy quyết định bỏ ngang công việc về quê tìm công việc mới.

Nhận thấy con ba ba cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt, ở địa phương lại có nhiều điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi ba ba, anh quyết định khởi nghiệp với loại con nuôi này.

Nam Định: Bỏ làm công nhân về quê nuôi ba ba, 8x đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 3.

Mỗi năm anh Huy cung cấp ra thị trường 50 vạn con ba ba giống, với giá 5000 đồng/kg.

"Thời điểm đó ở quê tôi rất nhiều người nuôi ba ba, nhưng chủ yếu nuôi với quy mô nhỏ, tuy vậy thu nhập cũng khá cao. Tính toán ra thu nhập từ nuôi ba ba quy mô nhỏ cũng bằng lương tháng công nhân, lại còn có thời gian làm thêm việc khác. Thời điểm đó con ba ba là vật nuôi khả thi nhất cho tôi khởi nghiệp" - anh Huy phân tích.

Đầu năm 2012, với số vốn ít ỏi dành dụm khi còn làm công nhân, anh Huy xây sửa lại ao nuôi và mua 200 con ba ba giống về lập nghiệp. Sau hai năm miệt mài chăm sóc, lứa ba ba đầu tiên được xuất bán. Do chịu khó chăm bẵm nên đàn ba ba lớn nhanh, sau khi bán xong anh vớ được món hời lớn.

Thấy con ba ba cho hiệu quả kinh tế cao, anh Huy tiếp tục mở rộng mô hình. Đến nay, sau gần 11 năm gắn bó, anh Huy đã sở hữu trong tay một trại ba ba rộng tới 3 ha.

Với diện tích 3ha như thế thì trang trại nuôi ba ba của anh Huy thuộc dạng rộng lớn Nhất, Nhì đất tỉnh Nam Định.

Khác với các trang trại nuôi ba ba các nơi, các ao nuôi của ba ba anh Huy được thiết kế chủ yếu là ao nổi, có đầy đủ hệ thống cấp thoát nước. 

Mỗi ao không rộng quá 1.000m2, tiện cho việc quản lý và chăm sóc con ba ba. Các ao nuôi này được xây tường kiên cố để không cho ba ba bò ra.

Giữa các ao nuôi ba ba có lối đi riêng đủ rộng, thuận tiện cho việc vận chuyển thức ăn bằng xe chuyên dụng cho từng ao. Ngoài ra, còn nhiều trang thiết bị máy móc khác cho chăn nuôi ba ba với quy mô lớn như: máy nghiền trộn thức ăn, phòng lạnh cấp đông thức ăn, xe đẩy...

Nam Định: Bỏ làm công nhân về quê nuôi ba ba, 8x đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 4.

Toàn cảnh trang trại nuôi ba ba lớn nhất đất Thành Nam, mỗi năm lãi tiền tỷ.

Mỗi năm nhẹ nhàng kiếm tiền tỷ từ bán ba ba thịt, ba ba giống

Chia sẻ với báo điện tử Dân Việt, anh Mai Văn huy cho biết, hiện anh đang nuôi hai loại là: ba ba trơn và ba ba gai, trong đó ba ba gai chiếm số lượng không đáng kể. 

Nhiều năm nay, anh luôn duy trì số lượng ba ba lên tới hơn 10 vạn con, trong đó ba ba bố mẹ là khoảng 8.000 con.

Với số lượng ba ba này, mỗi ngày đàn ba ba tiêu tốn gần nửa tấn thức ăn. Thức ăn của ba ba chủ yếu là các loại cá tạp, được xay nhuyễn cho ba ba dễ tiêu hóa. 

Trung bình mỗi năm, gia đình anh Huy xuất bán hơn 10 tấn ba ba thịt thương phẩm (chủ yếu ba ba trơn), với giá 200.000 đồng/kg đối với ba ba trơn và 450.000 đồng/kg đối với ba ba gai.

Ngoài ra, mỗi năm gia đình anh đều đặn cung ứng ra thị trường 50 vạn con ba ba giống. Mỗi con ba ba giống có giá 5.000 đồng. Doanh thu từ bán ba ba thương phẩm và ba ba giống của gia đình anh Huy lên đến nhiều tỷ đồng/năm.

"So với các con nuôi thủy sản khác thì ba ba dễ nuôi hơn, ít bị bệnh tật hơn, thức ăn đơn giản rẻ tiền dễ kiếm. Trung bình, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh tôi lãi khoảng 1 tỷ đồng từ bán ba ba thịt, bán ba ba giống" - anh Huy tiết lộ.

Theo anh Huy, đối với ba ba trơn thương phẩm thì chỉ cần nuôi từ 2,5 năm là xuất bán được, mỗi con cũng đạt trên dưới 1kg, giá bán được khoảng 200.000 đồng/kg.

Đối với ba ba gai thì nuôi lâu hơn, thường khoảng từ 3- 4 năm, mỗi con cũng đạt tầm 3 – 4kg/con, giá bán được khoảng 450.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với ba ba trơn.

Nam Định: Bỏ làm công nhân về quê nuôi ba ba, 8x đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 5.

Ba ba thường bò lên ụ cát đã được làm sẵn trong ao để đẻ và vùi trứng vào ban đêm. Đến chiều hôm sau người nuôi ba ba phải bới ra lấy trứng đêm về ấp.

Hiện anh đang nuôi khoảng 300 con ba ba gai, mỗi năm xuất bán trên 5 tạ ba ba gai thương phẩm, thu về hàng trăm triệu đồng, so với các loại ba ba khác thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. 

Thịt của ba ba gai khi chế biến rất thơm và ngọt, tuổi đời của ba ba gai có khi lên tới 20 năm, có những con ba ba sinh sản nặng tới hơn 30 kg.

Nam Định: Bỏ làm công nhân về quê nuôi ba ba, 8x đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 6.

Nhờ nuôi ba ba thương phẩm và sinh sản, mỗi năm gia đình anh Huy lãi tiền tỷ.

Với kinh nghiệm hơn chục năm nuôi ba ba gai, anh Huy cho biết: "Nuôi ba ba không phức tạp, dễ nuôi chỉ cần chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chú ý cho ăn đúng, đủ chất và vệ sinh môi trường nước sạch, tránh gây ô nhiễm, như vậy sẽ đạt hiệu quả cao".

Nói về kỹ thuật nuôi ba ba, anh Huy nhấn mạnh phải thường xuyên theo dõi nắm bắt các giai đoạn phát triển của ba ba gai cái. Khi chúng đến giai đoạn đẻ phải tách riêng con đực và con cái theo tỷ lệ 1 đực và 5 cái hoặc 1 đực và 4 cái. Bởi vì, nếu số lượng con đực nhiều thì nó sẽ xảy ra hiện tượng con đực cắn chết con cái.

Khi con ba ba cái đẻ thì chuồng ấp trứng phải được đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ từ 30 đến 32 độ C thì mới đảm bảo trứng không bị hỏng. Bên cạnh đó, nuôi ba ba cần đặc biệt chú ý quan tâm đến môi trường nước ao vì bệnh chủ yếu ở ba ba là do thức ăn dư thừa trong nước gây ra.

Vì vậy, trong quá trình nuôi cần cho ba ba ăn một chỗ, thường xuyên kiểm tra khử nước theo định kỳ bằng vôi bột, muối, thuốc tím trộn lẫn, cứ 100 m3 ao thì rắc 1 kg, đồng thời thả một ít bèo tây xuống ao cũng giúp cải tạo nguồn nước.

Nguồn thức ăn cho ba ba chủ yếu là cá mồi say nhuyễn, có thể trộn thêm cám gạo, cám cò, đậm đặc... và trộn thêm các chất kích tiêu hóa, giúp ba ba nhanh lớn hơn.

Nam Định: Bỏ làm công nhân về quê nuôi ba ba, 8x đổi đời, thu tiền tỷ mỗi năm  - Ảnh 7.

Theo anh Huy, thông thường vào tháng 3 đến tháng 8 ba ba sinh sản nhiều, từ tháng 9 trở về sau do thời tiết bắt đầu lạnh nên ba ba đẻ ít

Anh Huy lưu ý, nuôi ba ba phải thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn để tránh tình trạng thức ăn thừa sẽ dẫn đến môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, từ đó ba ba dễ bị bệnh nấm thủy mi, viêm loét do vi khuẩn, sưng cổ,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem