Dân Việt

Covid-19 hoành hành, cá cơm Bình Thuận xuất khẩu không được, bán làm mắm không xong

Nguyên Vỹ 30/06/2021 09:00 GMT+7
Vụ cá cơm Bình Thuận năm nay có sản lượng dồi dào. Nhưng ngư dân và các cơ sở làm mắm ở Bình Thuận kém vui, vì sức tiêu thụ giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nước mắm cá cơm Bình Thuận gặp khó

Ngoài nhu cầu sấy khô để xuất khẩu, cá cơm Bình Thuận còn là nguồn nguyên liệu chính để làm nước mắm.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc xuất khẩu cá cơm, bột cá chủ yếu sang Trung Quốc gặp khó.

Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nước mắm tại tỉnh Bình Thuận lại phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động du lịch.

Ông Huỳnh Đức Ngọc tại cơ sở nước mắm truyền thống của mình (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Ông Huỳnh Đức Ngọc tại cơ sở nước mắm truyền thống của mình (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Ông Huỳnh Đức Ngọc, chủ cơ sở nước mắm truyền thống Ngọc Định ở TP. Phan Thiết cho biết, nước mắm truyền thống đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo đó, các địa phương như Hàm Tiến, Phan Thiết, Mũi Né chủ yếu bán mắm cho khách du lịch làm quà.  

Khách đi du lịch cao điểm trong mùa hè. Nhưng hiện tại, nhiều các cơ sở du lịch phải đóng cửa, đường xá vắng hoe. Các dịch vụ đi kèm như buôn bán nước mắm cũng điêu đứng theo.

Thị trường lớn như TP.HCM cũng đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Hàng quán đóng cửa nên nhu cầu tiêu thụ nước mắm sụt giảm mạnh.

Mỗi mùa cao điểm du lịch, cơ sở Ngọc Định bán khoảng 10.000 lít nước mắm.  Năm nay, ông Ngọc dự tính việc kinh doanh đang sụt giảm khoảng 50%.

Nước mắm Ngọc Định cũng như nhiều sản phẩm nước mắm khác ở Bình Thuận đang gặp khó trong tiêu thụ. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Nước mắm Ngọc Định cũng như nhiều sản phẩm nước mắm khác ở Bình Thuận đang gặp khó trong tiêu thụ khiến cá cơm Bình Thuận bí đầu ra. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Việc mua bán nước mắm bị ảnh hưởng nên nhu cầu mua cá cơm nguyên liệu cũng giảm theo.

Thêm cái khổ nữa, nước mắm truyền thống không thể để quá lâu. Vì nếu để lâu, nước mắm sẽ hao hụt dung tích. Màu nước mắm cũng sậm, không còn trong và đẹp như lúc đầu.  

Năm nay nguồn cá cơm dồi dào. "Vừa rồi, tôi cũng muốn tranh thủ mua để chuẩn bị nguyên liệu cho mùa tết. Nhưng tình hình dịch bệnh thế này, tôi không dám nhập thêm", ông Ngọc nói.

Tại các cơ sở khác, nhiều nơi vẫn mở kho để nhập cá cơm nguyên liệu nhưng không nhập hết công suất.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Bà Hai (TP.Phan Thiết) cho biết, cơ sở có sức chứa hơn 200 tấn.

Hiện tại, nguồn cá cơm nhiều nhưng ông Dũng chỉ cho nhập nguyên liệu khoảng 50% vì còn lo lắng về thị trường.

Cá cơm Bình Thuận lo được mùa mất giá

Theo các ngư dân, vụ cá Nam là mùa đánh bắt quan trọng nhất trong năm đối với bà con.

Vụ cá Nam thường bắt đầu tháng 4 đến cuối tháng 9 âm lịch. Vụ cá Nam năm nay đến muộn vì phụ thuộc vào gió Tây Nam.

Ngư dân Bình Thuận vận chuyển cá cơm vừa đánh bắt lên bờ. (Ảnh: Ngọc Lân)

Ngư dân Bình Thuận vận chuyển cá cơm vừa đánh bắt lên bờ. (Ảnh: Ngọc Lân)

Ông Nguyễn Ngọc Tấn (TP. Phan Thiết) cho biết, giữa tháng 5 ông đã cho ghe thuyền xuất hành. Đầu vụ cá Nam, cá cơm về rất nhiều trên vùng biển Mũi Né.

Giá cá cơm đầu vụ dao động từ 15.000-17.000 đồng/kg, giúp nông dân phấn khởi. Nhưng giá bán hiện tại đang có xu hướng giảm.

Anh Nguyễn Xuân Trường, ngư dân ở phường Phú Hài (TP.Phan Thiết) lo lắng, cá cơm Bình Thuận dễ gặp cảnh được mùa mất giá.

Trên đất liền thì dịch Covid-19 hoành hành. Dưới biển, cá cơm nhiều nhưng sức tiêu thụ đang hạn chế.

Hiện, giá cá cơm loại 1 bán cho cơ sở làm mắm dao động 10.500-11.000 đồng/kg, giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg so năm ngoái. 

Ngoài nhu cầu sấy khô để xuất khẩu, cá cơm Bình Thuận còn là nguồn nguyên liệu chính để làm nước mắm. (Ảnh: Ngọc Lân)

Ngoài nhu cầu sấy khô để xuất khẩu, cá cơm Bình Thuận còn là nguồn nguyên liệu chính để làm nước mắm. (Ảnh: Ngọc Lân)

Anh Trường kể, một số tàu thuyền vừa đánh bắt lai rai vừa trông ngóng đủ thứ.

Lúc trước, cá cơm xuất khẩu tốt, tạo ra sức cạnh tranh với cá cơm dùng làm mắm, nên giá được đẩy lên cao.

Giờ xuất khẩu điêu đứng, cá cơm bán cho làm cơ sở làm mắm giá rẻ thì ngư dân thua lỗ chuyến biển.

Thậm chí nhiều cơ sở làm mắm còn không thu mua nên không ít ngư dân còn ngại ngần ra khơi.

"Ngoài một số ghe thuyền đi khai thác sớm, nhiều tàu vẫn nằm chờ vào vụ chính. Năm nay được mùa nhưng không dễ ăn tý nào", anh Trường phân tích.

Theo Sở NNPTNT Bình Thuận, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh.

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đặt mục tiêu đạt khai thác 210.000 tấn hải sản các các loại. 6 tháng đầu năm nay, Bình Thuận đã khai thác ước đạt 97.200 tấn, đạt hơn 46%.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, thì phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố, từ thời tiết đến thị trường. Nhiều ngư dân tỉnh Bình Thuận vẫn đang sốt ruột, mong chờ một mùa cá gặp nhiều thuận lợi.