Dân Việt

Kể chuyện làng: Người thầy khai tâm

Nguyễn Liêm Triết 30/06/2021 07:05 GMT+7
Trẻ con làng tôi như vậy đó, không biết có phải vì được khai tâm ở miễu, ở đình được thần thánh "phù hộ" hay sao mà sau này ai cũng sáng sủa, lanh lẹ, giỏi giang...

Tôi có hai người thầy dạy v lòng là thầy Nguyễn Văn Nhung và thầy Nguyễn Hữu Tháo. Tôi học thầy Nhung tiếng ê a đánh vần trên chiếc chõng tre cũ k của nhà thầy ở Xóm Dưới được thời gian ngắn thì qua học thầy Tháo ở trường Miễu của Xóm Dưới (nay thuộc thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), lúc ấy khoảng năm 1959. 

Thuở đó, không hiểu duyên cớ gì, sau này lớn lên nghe thầy Nhung kể mới biết thời điểm ấy thầy được mời lên dạy con em ở Xóm Rừng (thôn Thanh Quýt 2 bây giờ); chắc còn quá bé nên cha mẹ tôi không cho lên theo. Các thầy Lê Tự Nhạn, Lê Tự Thắng, Nguyễn Hữu Khanh, các anh Nguyễn Hữu Thanh, Lê Tự Thiện, Lê Tự Kiện… ở Thanh Quýt 2, và nhiều bạn lớn tuổi ở các thôn khác bây giờ là những lớp học trò đầu tiên ở điểm trường Xích Hậu, Xóm Rừng của thầy Nguyễn Văn Nhung.

Gọi là trường Miễu Xóm, vì lúc ấy mọi thứ còn khó khăn, mấy vị chức việc của xóm thống nhất lấy miễu làm trường, phòng học miễu chỉ rộng khoảng bốn mươi mét vuông nhưng cũng gọi là trường, vì dạy đủ các lớp. Những năm trước đó, cả hai thầy Nhung và thầy Tháo đều cùng dạy tại đây. Sau đó, thầy Nhung chuyển về dạy tại nhà trước khi lên dạy ở Xóm Rừng.

Kể chuyện làng: Người thầy khai tâm - Ảnh 1.

Miễu Xóm ngày nay - nơi thờ cúng tâm linh của thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung. Ngày xưa, Miễu cũng là trường xóm, trường làng.

Miễu có hai cây vông đồng được trồng hai bên trước sân, thân cây to, dày đặc những gai nhọn, tán rộng tỏa bóng mát cả sân trường. Mùa hè trái chín khô có hình cầu dẹt treo lủng lẳng trông rất đẹp mắt, và mỗi lần có làn gió mạnh thổi qua, nhiều trái chín nứt nổ tạo thành những tiếng kêu lớp bớp khá to nghe rất vui tai, và tan thành nhiều mảnh rải đầy sân. Những âm thanh khô khốc trong không gian tĩnh lặng và hình ảnh ngôi trường tuổi thơ ngày ấy luôn theo tôi suốt cả cuộc đời.

Trường Miễu Xóm của thầy Tháo rất đông vui, một thầy có đến trên năm mươi trò với nhiều độ tuổi khác nhau. Trẻ con mới vào học A B C, học đánh vần thì trải chiếu ngồi dưới đất, cuối buổi có một bạn làm trưởng chiếu lo việc cuốn chiếu đem nộp cho thầy. Trẻ bắt đầu tập viết thì ngồi trên gốc tre được bắt ngang trên sườn róng bằng tre và được kê một miếng ván trước mặt để đặt tập viết; còn được vài chiếc bàn ghế nghiêm chỉnh hơn thì dành riêng cho các bạn lớn, học các lớp trên với nhiều môn học, trong đó có viết chính tả, tập đọc, đặt câu, làm văn, làm toán…

Miễu chật, học trò thì đông, có hơi ồn nhưng không mất trật tự, thầy dạy lớp nầy thì lớp khác tự học, tự làm bài để sau đó thầy lại kiểm bài, trò nào cũng lo học. Thầy có cây thước bằng nhôm, ngoài việc dùng làm thước kẻ, dùng để gõ nhịp cho cho các giờ tập đọc, thầy còn dùng để lúc cần thì gõ mạnh dưới bàn tạo thành những tâm thanh nghe lớp cớp thật to nhằm gây sự chú ý của học trò hoặc nhờ những bạn lớn tuổi cầm thước giữ trật tự lúc thầy đi vắng. 

Đặc biệt, những lúc thầy dò bài, gọi lên bảng làm toán thì chiếc thước lại có một "chức năng" khác mà trò nào cũng khiếp. Một lần không thuộc bảng cửu chương, thầy phạt tôi và một số bạn bằng cách chọn một trong hai cách: khẻ tay bằng cây thước nhôm hay quỳ xơ mít dưới gốc cây mít bên hông miễu, thấy cách nào cũng ớn, nhưng tôi sợ nhất là cái cách cầm thước nhịp lên nhịp xuống của thầy trước khi khẻ, nên thưa thầy xin chọn cách thứ hai vì thấy dễ chịu hơn; và đó cũng là lần duy nhất tôi bị thầy phạt.

Ngoài trường miễu ở Xóm Dưới, trường Xóm Rừng, còn có trường miễu Xóm Chay của thầy Chai; nghe kể, trước đó còn có trường ở Đình làng do thầy giáo Trương Công Y dạy, sau nầy lại có trường ở chùa Thanh Quýt của thầy Lê Tự Công...

Năm 1956, trường Tiểu học Thanh Quýt được thành lập dạy các lớp tư, ba, nhì, nhất; học trò trường xóm, trường làng ở các thôn ấp trong xã học xong lớp v lòng, lớp năm vào lớp tư trường Tiểu học phải qua một kỳ thi tuyển sinh. Năm 1961, sau gần hai năm ở trường Miễu Xóm của thầy Tháo, tôi được vào lớp tư trường Tiểu học (tương đương với lớp 2 bây giờ). 

Cha mẹ tôi lúc ấy rất vui vì con được vào học trường công, còn tôi thì tràn ngập bao niềm hân hoan trước ngưỡng cửa một ngôi trường mới xinh đẹp, đầy những ước mơ. Hình ảnh kính yêu của các thầy cô, những kỷ niệm bạn bè thân thương trong bốn năm tiểu học tại ngôi trường dấu yêu của quê hương luôn là những ký ức đẹp và sâu đậm nhất của tuổi thơ.

Kể chuyện làng: Người thầy khai tâm - Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Văn Nhung (áo trắng) và thầy Nguyễn Hữu Tháo trong lễ Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 1982 - 2017 tại xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.

Lại nói về các thầy khai tâm, cả hai thầy dạy v lòng của tôi rất nghiêm, thầy nào cũng có giọng sang sảng và giảng bài rất hay, rất cặn kẽ, học trò nhanh hiểu. Và khi những dòng hồi ức này được trang trọng viết ra thì các thầy của chúng tôi cũng đã thượng thọ trên 85 tuổi. Dù tuổi cao sức yếu nhưng dáng đứng, điệu đi của các thầy cũng còn rất đạo mạo, nói năng trình bày việc gì cũng mạch lạc, rõ ràng; ai cũng khen hay và vô cùng mến phục.

Thầy Nhung là bác họ tôi, sau này lớn lên tôi hay gần gũi thầy và cũng thường hay nhờ thầy góp ý, bày vẽ nhiều việc khi cần. Thầy hay bảo ban con cháu, tôi xem thầy như cha mẹ mình và từ nhỏ rất ngưỡng mộ thầy. Thầy làm thơ rất hay và cũng thuộc nhiều thơ phú. Con cháu dựng vợ gả chồng, học hành thành đạt thầy thường làm thơ chúc mừng. Bà con làng xóm có việc hiếu sự nhờ thầy dăm ba câu đối vài dòng văn điếu, thầy luôn sẵn lòng với tình cảm sẻ chia, nồng ấm.

Những lứa học trò đầu tiên của hai thầy nay cũng đã trên 75 tuổi. Bao thế hệ con em của làng đã đi qua. Những cánh chim bạt gió tung cánh khắp bốn phương trời mang theo những dấu ấn đầu tiên của thời thơ ấu cùng với những bảo ban, dạy dỗ của các thầy đã để lại bao hương hoa và sắc màu cho cuộc sống, cho làng xóm quê hương và ở những phương trời xa lạ khác.

Một trong những cánh chim đầu đàn ấy, thầy Lê Tự Hỷ - người thầy dạy của thế hệ chúng tôi những năm trước 1975 ở trường Đại học Khoa học Huế. Thầy là giảng viên Toán đã để lại trong bao lớp sinh viên Đại học Khoa học Huế lúc bấy giờ rất nhiều những ấn tượng đẹp về tài năng và nhân cách. Thầy cũng là một trong năm học trò đầu tiên "học hết chữ của thầy" (gồm Lê Tự Hỷ, Nguyễn Hữu Cừ, Nguyễn Bá Mỵ, Nguyễn Văn Dẻ, Trương Công Kiệt) ở các trường thầy Nhung, thầy Tháo những năm 1951, 1952. Mỗi lần về thăm quê, tôi thường hay ghé thăm các thầy và kể về những người thầy đầu tiên của mình với tình cảm vô cùng trân trọng, kính yêu.

Đó là những thầy giáo làng đến với nghề dạy học như là một nghĩa cử của một người dân giúp làng xóm, quê hương, giúp đàn em trẻ khỏi cảnh thất học trong thời điểm quê hương đất nước đầy bom đạn biết bao gian khổ, khó khăn.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!