Dân Việt

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/kg

Thái Bá 30/06/2021 19:05 GMT+7
Trà khô được ướp vào những bông sen Nhật có mùi thơm tinh khiết, trở thành thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/kg.

Bỏ lúa trồng sen lãi gấp 10 lần

Nhiều năm gần đây, một số cánh đồng lúa kém hiệu quả ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được chuyển đổi sang trồng sen Nhật để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Người dân ở các xã như Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Thắng, Trường Yên… đang dần quen với loại cây lá to như chiếc quạt, hoa thơm ngào ngạt đưa từ đất nước mặt trời mọc về sống và phát triển ở vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Các cánh đồng sen ở Ninh Bình vào mùa hè trở thành điểm đến "check in" tuyệt đẹp, cuốn hút nhiều du khách. Từ việc mở cửa cho khách vào chụp ảnh, cho thuê trang phục cũng đã tạo thêm nguồn thu cho nhiều hộ dân.

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở Ninh Bình trồng sen để phát triển nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, các sản phẩm từ sen như: Hoa, hạt, củ sen cũng có giá trị cao. Khi thu hoạch bán, thu về "tiền tươi thóc thật" cũng đã giúp nhiều hộ dân ổn định cuộc sống. Vì thế, trồng sen mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Nhiều năm qua, gia đình chị Đinh Thị Yến ở xã Ninh Thắng thay đổi đủ các loại giống lúa cho năng suất cao nhưng thu nhập chẳng được là bao. Mỗi sào lúa phải đầu tư giống, làm đất, phun thuốc, làm cỏ, tiền phân bón, thuê gặt… Trừ hết chi phí, mỗi tấn lúa không lãi nổi 500 nghìn đồng.

Trồng lúa kém hiệu quả, nên nhiều gia đình để ruộng hoang hoặc có làm cũng chỉ cầm chừng. Khi người dân đang loay hoay về việc trồng cây gì thì xuất hiện mô hình trồng sen Nhật trên đất lúa, vừa phát triển theo hướng nông nghiệp, vừa kinh doanh dịch vụ du lịch.

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 2.

Nhờ trồng sen Nhật, nhiều gia đình thu lãi gấp nhiều lần trồng lúa.

Đến nay, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả nhiều nơi ở các xã quanh vùng Di sản thế giới Tràng An đều được các hộ dân triển khai trồng sen.

"Mỗi ha trồng sen cho hiệu quả hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Khi sen nở rộ thì mở cửa cho khách đến chụp ảnh thu tiền vé, cho thuê trang phục… Hoa sen thì thu hoạch để ướp trà, củ sen thì có thể thu bán chế biến thành món ăn", chị Đinh Thị Yến nói.

Thu tiền triệu mỗi kg trà sen

Khoảng 2 năm trở lại đây, hương vị trà ướp hoa sen Cố đô Hoa Lư bắt đầu xuất hiện trên thị trường, tạo nhiều dấu ấn cho người dùng. Nhiều hộ dân ở huyện Hoa Lư bắt tay vào công việc mới là ướp trà khô vào hoa sen, tạo nên loại chè thượng hạng có hương vị tinh khiết của loài hoa sen Nhật.

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 3.

Người dân dùng chè san tuyết hoặc chè Thái Nguyên loại ngon ướp vào hoa sen Nhật để tạo ra thứ thức uống thơm ngon, tinh khiết, tự nhiên.

Những tháng mùa hè là thời gian hoa sen nở rộ nhất. Đây cũng là thời điểm hoa sen ướp trà ngon nhất trong năm. Theo chị Đỗ Thị Thu Lý, xã Ninh Xuân, để tạo ra được sản phẩm trà ướp bông sen phải rất mất nhiều lần thử nghiệm, sau đó mới ra được sản phẩm ưng ý, vừa lòng khách hàng.

Quy trình ướp trà sen được chị Đỗ Thị Thu Lý tiết lộ: "Khi ánh nắng vàng của hoàng hôn xuất hiện, người dân sẽ xuống hồ chọn những bông còn hé nụ bỏ rồi vào một nhúm trà nhỏ. Sau đó, cho cánh hoa khép rồi buộc lại để đảm bảo trà bên trong vẫn khô và an toàn.

Sáng ngày hôm sau, khi ánh bình minh chưa tới thì ra đầm cẩn thận mở những cánh hoa rồi thu trà về. Sở dĩ để trà vào bông sen qua đêm bởi đêm và rạng sáng là thời điểm sen bắt đầu nở và tỏa ngát hương, trà và sen quyện vào nhau tạo ra thứ thức uống tinh túy, tự nhiên".

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 4.

Để cho ra được một kg trà sen Nhật phải ướp vào nhiều bông hoa. Sau một đêm thì thu chè lại sau đó thực hiện gói chè và bảo quản.

Chị Trần Thị Hà có 2 năm kinh nghiệm ướp trà sen chia sẻ thêm: "Trà sen ở Ninh Bình thơm ngon hơn nơi khác là bởi, những cánh đồng sen ở đây được bao bọc bởi dãy núi đá vôi, khí hậu mát mẻ trong lành. Vì thế sen Nhật được trồng ở đây rất phát triển, hoa có nhiều mùi hương, ướp trà trở thành đồ uống thượng hạng".

Ly trà thơm ngon, hương vị đậm đà, mùi thơm ngát của hoa sen Nhật, giúp người thưởng thức thư thái, tinh thần sảng khoái, tỉnh táo. Trà được ướp sen Nhật có giá hơn một triệu đồng/kg. Để khách dễ sử dụng thì trà sẽ được gói vào từng bông hoa, sau đó bọc vào lá sen, dùng túi ni lông hút chân không rồi bọc vào bao bì sản phẩm.

"Trà sen được bảo quản ở ngăn đông của tủ lạnh. Khi uống chỉ cần lấy từng bông hoa ra sau đó pha với nước sôi để sử dụng. Thứ nước trà thượng hạng này ngày xưa chỉ vua, quan mới được dùng. Ngày nay, những người có điều kiện, biết thưởng thức thường hay dùng hoặc làm quà biếu...", chị Trần Thị Hà nói.

Một số hình ảnh về quy trình làm trà ướp hoa sen:

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 5.

Quy trình ướp trà sen được thực hiện công phu, tỉ mỉ, vì thế sản phẩm khi bán ra mới được các thực khách tin dùng lựa chọn.

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 6.

Trà sau khi ướp sen dưới đầm được thu về, sau đó tiếp tục cho vào trong từng bông hoa sen gói lại.

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 7.

Bên ngoài các bông hoa sen có trà sẽ được gói bọc bằng một chiếc lá sen bánh tẻ để giữ độ ẩm.

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 8.

Các công đoạn làm ra một kilôgam trà sen được thực hiện bằng những bàn tay khéo léo của người dân.

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 9.

Mỗi ngày chỉ gói được 3 - 5kg trà sen, vì thế khi khách hàng đặt nhiều không đủ sản phẩm để giao.

Ninh Bình: Thứ đồ uống tinh túy, tự nhiên mà thượng hạng có giá cả triệu đồng/lg - Ảnh 10.

Hai năm trở lại đây, ở vùng đất Cố đô Hoa Lư có thêm nghề mới là ướp trà sen Nhật tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.