Dân Việt

Trung Quốc thiếu một thứ quan trọng để sản xuất ô tô, giá một loại nông sản của Việt Nam lập tức tuột dốc

Khánh Nguyên 01/07/2021 18:30 GMT+7
Giá cao su trên các sàn giao dịch châu Á có xu hướng giảm do lo ngại nhu cầu lốp xe giảm khi sản lượng ô tô Trung Quốc giảm bởi thiếu chip. Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của cao su Việt Nam.

Giá cao su giảm nhiệt do sản lượng ô tô Trung Quốc giảm bởi thiếu chip

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 ngày giữa tháng 6/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước tiếp tục xu hướng giảm, do sản lượng ô tô của Trung Quốc giảm vì thiếu chip dẫn đến lo ngại thị trường lốp ô tô giảm nhiệt.

Ngày 18/6/2021, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 330 đồng/TSC, giảm 30 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó; giá thu mua mủ tạp ở mức 265 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó. 

Giá cao su hôm nay 1/7 được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng niêm yết ở mức 325 đồng/độ mủ (loại 1).

Ngày 30/6, Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai cũng tiếp tục điều chỉnh giảm giá thu mua một số loại mủ cao su tiểu điền lần thứ 16.

Theo đó, giá cao su dạng mủ nước thu mua về nhà máy là 323 đồng/độ mủ (loại 1) và 316 đồng/độ mủ (loại 2).

Trong 10 ngày giữa tháng 6/2021, giá cao su tự nhiên trên các sàn giao dịch châu Á có xu hướng giảm so với 10 ngày trước đó. Tại Thái Lan giá cao su tiếp tục xu hướng giảm.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, giá cao su giảm là do đại dịch Covid-19 tại khu vực châu Á diễn biến phức tạp khi chiến dịch tiêm vaccine mới chỉ đang ở giai đoạn đầu.

Ngoài ra, thị trường lo ngại nhu cầu lốp xe giảm khi sản lượng ô tô Trung Quốc giảm bởi thiếu chip.

Đợt bùng phát dịch tại nhiều công ty sản xuất bán dẫn quan trọng ở Đài Loan và Malaysia đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của ngành ô tô, cũng như các ngành công nghệ.

Đợt bùng phát dịch bệnh tại một trong những cảng biển lớn nhất thế giới ở miền Nam Trung Quốc đã gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận chuyển hàng hóa toàn cầu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 5/2021, Trung Quốc nhập khẩu 466.000 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), trị giá 862,2 triệu USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 42,6% về trị giá so với tháng 5/2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 2,83 triệu tấn cao su, trị giá 4,96 tỷ USD, tăng 9% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc thiếu thứ này để sản xuất ô tô, giá cao su lập tức tuột dốc - Ảnh 1.

Giá cao su đang giảm nhẹ do tác động của dịch Covid-19. Trong ảnh: Công nhân lao động thực hiện nghiêm phòng chống dịch Covid -19. (Ảnh: CĐ Cao su Dầu Tiếng).

Trung Quốc mua 63,14% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 82.740 tấn, trị giá 143,35 triệu USD, tăng 33,4% về lượng và tăng 30,1% về trị giá so với tháng 4/2021; tăng 10,8% về lượng và tăng 59,8% về trị giá so với tháng 5/2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 550.950 tấn, trị giá 927,75 triệu USD, tăng 59,5% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 5/2021, giá cao su xuất khẩu bình quân ở mức 1.732 USD/tấn, tăng 44,1% so với tháng 5/2020.

Tháng 5/2021, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm 63,14% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 52.240 tấn, trị giá 86,22 triệu USD, tăng 22,5% về trị giá so với tháng 5/2020.

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.650 USD/tấn, tăng 39,8% so với tháng 5/2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 375.840 tấn cao su, trị giá 605,05 triệu USD, tăng 63,1% về lượng và tăng 96,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trung Quốc thiếu thứ này để sản xuất ô tô, giá cao su lập tức tuột dốc - Ảnh 2.

Giá cao su giảm do lo ngại nhu cầu lốp xe ô tô giảm khi sản lượng ô tô Trung Quốc giảm bởi thiếu chip. Sơ chế mủ cao su tại nhà máy chế biến của Công ty Cao su Dầu Tiếng. (Ảnh: https://caosudautieng.com.vn).

Bên cạnh Trung Quốc, Đài Loan cũng có xu hướng nhập nhiều cao su của Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Tài chính Đài Loan, trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường Đài Loan nhập khẩu 117.760 tấn cao su, trị giá 261,9 triệu USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 27,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Indonesia và Việt Nam là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2021. 

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 5 cho thị trường Đài Loan với 11.950 tấn, trị giá 23,59 triệu USD, tăng 78% về lượng và tăng 132,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của thị trường Đài Loan chiếm 10,2%, tăng so với mức 6,3% của 5 tháng đầu năm 2020. 

Thị trường Đài Loan có xu hướng tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam trong khi giảm nhập khẩu từ một số thịtrường chính như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.

 Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su tự nhiên của thị trường Đài Loan đạt 40.740 tấn, trị giá 77,4 triệu USD, giảm 0,3% về lượng, nhưng tăng 24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho thị trường Đài Loan, với 11.760 tấn, trị giá 23,4 triệu USD, tăng 91,3% về lượng và tăng 148% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường Đài Loan chiếm 28,9%, tăng so với mức 15,1% của 5 tháng đầu năm 2020.