Đang ầm ầm thu gom, Trung Quốc đột ngột giảm mua, loại nông sản này của Việt Nam tồn kho 500.000 tấn

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 24/05/2021 18:29 PM (GMT+7)
Sản lượng tiêu thụ sắn của thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm rồi đột nhiên giảm mạnh trong những ngày giữa tháng 5/2021, gây nhiều khó khăn cho các nhà máy chế biến sắn của Việt Nam.
Bình luận 0

Giá sắn xuất khẩu giảm, tồn kho lớn

Sau khi xuất khẩu tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị do Trung Quốc tăng tốc thu mua với số lượng lớn, hiện, sản lượng xuất khẩu sắn và giá sắn xuất khẩu đang có xu hướng giảm.

Theo Hiệp hội sắn Viêt Nam, hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến sắn tại Việt Nam đã ngừng chạy máy để bảo dưỡng máy móc thiết bị, chỉ còn một số ít nhà máy khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh chạy sắn cuối vụ 2020/2021. 

Điều đáng nói là, sản lượng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc giảm mạnh bất thường thời gian qua gây ra nhiều khó khăn cho các nhà máy sắn Việt Nam. 

Hàng tồn kho nhiều hơn kế hoạch hàng năm, trong khi tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp đã gây nên sức ép đối với các nhà máy có tiềm lực tài chính trung bình. 

Theo thống kê của Hiệp hội Sắn Việt Nam, nguồn sắn lát thu mua nhập kho vụ 2020/21 của Việt Nam ở mức thấp. Tồn kho sắn lát của Việt Nam hiện tại ước tính khoảng 500.000 tấn. 

Hiện, giá sắn lát khô của Việt Nam chào bán đi cảng Trung Quốc khoảng 270 USD/tấn FOB Quy Nhơn.

Trong khi đó, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn ở mức 470 - 480 USD/tấn, FOB cảng Hồ Chí Minh, do giá thu mua nguyên liệu đầu vào ở mức cao.

Có thể thấy, sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc sẽ có nhiều rủi ro, khi Trung Quốc giảm mua thì lượng tồn kho sẽ tương đối lớn.

Đang mua nhiều tự nhiên Trung Quốc giảm mua đột ngột, loại nông sản này còn tồn kho 500.000 tấn - Ảnh 1.

Giá sắn cuối vụ giảm nhẹ trong khi Trung Quốc giảm thu mua. Trong ảnh: Chế biến tinh bột sắn tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái (Quảng Trị). Ảnh: I.T

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 241.230 tấn, trị giá 80,46 triệu USD, giảm 31,5% về lượng và giảm 31,1% về trị giá so với tháng 3/2021.

 Giá sắn xuất khẩu bình quân ở mức 375,6 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 3/2021 và tăng 7,5% so với tháng 4/2020. 

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 444,06 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng mặt hàng sắn, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn đạt 499.470 tấn, trị giá 127,09 triệu USD, tăng 60,5% về lượng và tăng 86,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong tháng 4/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn nhiều nhất, chiếm 85% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 182.020 tấn, trị giá 68,84 triệu USD, giảm 38% về lượng và giảm 36,5% về trị giá so với tháng 3/2021; so với tháng 4/2020 giảm 29,6% về lượng và giảm 24,2% về trị giá. 

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,11 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 412,29 triệu USD, tăng 15,9% về lượng và tăng 27% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

 Giá xuất khẩu bình quân ở mức 270,3 USD/tấn, tăng 4,7% so với tháng 3/2021 và tăng 18,2% so với tháng 4/2020. 

Giá sắn của Việt Nam có cao bằng Thái Lan?

Tại thị trường Trung Quốc, sắn vả các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với Thái Lan.

Trong 10 ngày giữa tháng 5/2021, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan giữ giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn ở mức 485 USD/tấn.

Trong khi đó, Hiệp hội thương mại khoai mỳ Thái Lan cũng giữ giá sàn xuất khẩu sắn lát ở mức 260 – 265 USD/tấn FOB - Băng Cốc, ổn định so với 10 ngày trước đó; giá sắn nguyên liệu được giữ ở mức 2,25-2,55 Baht/kg.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, 3 tháng đầu năm 2021, Thái Lan xuất khẩu được gần 1,54 triệu tấn sắn lát, trị giá 11,47 tỷ Baht (tương đương 366,01 triệu USD), tăng 59,6% về lượng và tăng 85,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,9% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Thái Lan với 1,53 triệu tấn, trị giá 11,46 tỷ Baht (tương đương 365,94 triệu USD), tăng 59,7% về lượng và tăng 85,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý I/2021, Thái Lan xuất khẩu được 1,05 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 14,06 tỷ Baht (tương đương 448,63 triệu USD), tăng 56,4% về lượng và tăng 62,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 76,81% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan, với 811.730 tấn, trị giá 10,66 tỷ Baht (tương đương 340,26 triệu USD), tăng 119,1% về lượng và tăng 131,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Sắn là một trong những cây nông nghiệp hàng đầu của Campuchia. Theo Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, trong 4 tháng đầu năm 2021, nước này đã xuất khẩu được hơn 1,5 triệu tấn sắn, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, đã xuất khẩu được 1,18 triệu tấn sắn khô, tăng 25,5%; 307.750 tấn sắn tươi, giảm 7%; 13.280 tấn tinh bột sắn, tăng 42,8% và 3.120 tấn bột sắn, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2020. Phần lớn sắn của Campuchia được xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Ý và Hà Lan.

Diện tích trồng sắn của Campuchia hiện nay là 656.868 ha, sản lượng hơn 12 triệu tấn mỗi năm, tương đương hơn 18 tấn/ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem