Mục tiêu của chương trình nhằm đẩy mạnh liên kết cung cầu, quảng bá nông sản địa phương, kiến nghị các chính sách phù hợp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid -19, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Tại điểm cầu Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh, đại diện Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel Post.
Tham dự điểm cầu tại tỉnh Sơn La có ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT; ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Chi nhánh Sơn La Công ty Cổ phần thực phẩm XNK Đồng Giao Doveco; đại diện lãnh đạo một số HTX trên địa bàn tỉnh.
Trong chương trình, các đại biểu cùng doanh nghiệp, nông dân đã cùng nhau thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và đề ra giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trước đây, Sơn La vốn là địa phương gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhờ chủ trương về phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã biến Sơn La thành một "hiện tượng" trong phát triển kinh tế đối với các tỉnh Tây Bắc nói riêng và nhiều tỉnh khác nói chung.
Theo thống kê, năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Sơn La ước đạt gần 7.600 tỷ đồng với gần 80.000ha cây ăn quả, tổng sản lượng đạt gần 337.000 tấn, trong đó, diện tích cây trồng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn hơn 17.500ha; cấp 181 mã số vùng trồng cho hơn 4.700 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; 21 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.
Điều này cho thấy những đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La. Năm 2021, dự kiến tỉnh Sơn La tiêu thụ khoảng 430.000 tấn nông sản. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ nông sản gặp không ít khó khăn.
Chia sẻ về những kinh nghiệm, giải pháp để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh Sơn La đã thành lập ban Ban chỉ đạo xuất khẩu, tiêu thụ nông sản với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương.
Đồng thời, định hướng tiêu thụ thông qua xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Cùng với đó, tỉnh đã kết nối các hệ thống siêu thị lớn, các chợ đầu mối, các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng hướng đến sản xuất nông sản theo đơn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm; tính toán giãn vụ, rải vụ để giảm áp lực về thời vụ và giá cho người nông dân.
Hiện, bà con đang tiếp tục và nhận được sự hỗ trợ lớn trong chuyển giao, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông sản.
Để được thị trường thế giới đón nhận, điều quan trọng là khâu nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản ngay từ bước đầu phải đảm bảo và đáp ứng tiêu chuẩn nhất định.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, chia sẻ: Năm 2021 là năm người nông dân Sơn La sản xuất nông nghiệp được mùa. Biên độ cung sản phẩm cây ăn quả rất lớn, sản lượng mận đạt 68.000 tấn, xoài đạt 71.000 tấn.
Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến các khách hàng truyền thống và các doanh nghiệp ở ngoài tỉnh không đến với tỉnh Sơn La mà chủ yếu là các HTX đứng chân trên địa bàn tỉnh, vì vậy, gây ra nhiều khó khăn trong khâu xuất khẩu.
Sản lượng xuất khẩu năm nay của tỉnh Sơn La giảm so với các năm trước. Những năm trước, Sơn La xuất khẩu được nông sản sang 16 nước nhưng năm nay chỉ xuất được 4 nước.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn song thời gian qua, tỉnh Sơn La đã nhận được sự giúp đỡ của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và một số tỉnh, thành trong nước đã triển khai nhiều giải pháp để giúp bà con nông dân Sơn La tiêu thụ hàng tấn nông sản.
Chia sẻ về những khó khăn của HTX, bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng thông tin: Do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay giá nông sản rất thấp.
Để sản phẩm nông sản đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước khó tính, yêu cầu phải có khu vực sơ chế, đưa vào kho lạnh, sau đó, sản phẩm mới đưa lên container để tránh quả bị sốc nhiệt không bị hỏng.
Theo bà Dung, hiện HTX đang gặp khó khăn về nhà máy sơ chế và mong muốn các bộ, ngành Trung ương có giải pháp, chính sách giúp đỡ HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La có hệ thống sơ chế, chế biến. Qua đó, đảm bảo đáp ứng xuất khẩu sang các nước khó tính.
Giải đáp câu hỏi của bà Dung, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: Đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa việc sơ chế, bảo quản rất quan trọng. Vì vậy, hiện nay Bộ NNPTNT đang xây dựng chương trình nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, đối với Sơn La, Bộ xác định đây là trọng điểm vùng phía Bắc để tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến. Do vậy, Bộ sẽ quan tâm xây dựng một số kho bảo quản lạnh để đảm bảo việc sơ chế, bảo quản trong thời gian ngắn.
Chỉ ra những giải pháp quan trọng bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có sản lượng nông sản lớn để xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản, chủ động tổ chức các buổi kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, các địa phương cần liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, theo lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử; phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ rào cản ở các nước để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel, trong giai đoạn hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mô hình kinh doanh không tiếp xúc đã phát huy lợi thế với mọi loại hình kinh doanh, trong đó có nông nghiệp.
Vừa qua, Tổng Công ty Bưu chính Viettel – đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử voso.vn đã cùng với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Sendo, Tiki, Shopee, Postmart (VNpost) ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản cho các tỉnh Bắc Giang, Sơn La.
Đây đang được xem là mô hình tiêu thụ nông sản phù hợp trong giai đoạn hiện đối với các tỉnh có sản lượng nông sản lớn. Và để tháo gỡ cho bà con nông dân, cũng như các địa phương trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, Viettel đã có kế hoạch làm việc với một số địa phương….để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử voso.vn…
Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel post cho biết sẽ sẵn sàng hợp tác với các địa phương trên cả nước để triển khai chương trình tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, góp phần đưa nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Nói về vấn đề liên kết giữa các nhà trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: “Bên cạnh những kết quả to lớn mà chúng ta đã đạt được như Thứ trưởng Trần Thanh Nam vừa đề cập thì không thể phủ nhận ở nhiều vùng liên kết chuỗi còn lỏng lẻo, chưa gắn kết với nhau. Chúng ta cần xác định rõ mục đích của việc liên kết là các bên phải đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của nhau, phải tìm được tiếng nói chung”.
Giải đáp thắc mắc về thực trạng nông dân không tiêu thụ được nông sản trong khi Nhà máy vẫn thiếu nguồn nguyên liệu; rồi các tiêu chuẩn của Nhà máy đặt ra nhưng nông dân không đáp ứng được, ông Lê Quốc Thanh cho rằng: nguyên nhân sâu xa của thực trạng này chính là do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mỗi hộ nông dân, mỗi vùng nguyên liệu tự đặt ra tiêu chuẩn riêng của mình thì không một Nhà máy nào có đủ dây chuyền công nghệ chế biến đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng lẻ đó.
“Do đó chúng ta phải có giải pháp tổ chức lại sản xuất, đây là vấn đề vô cùng quan trong, trong đó phát triển kinh tế hợp tác chính là khớp nối giữa DN và nông dân.
Nông dân có thể sản xuất trên mảnh ruộng của mình nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn mà DN đề ra; ngược lại khi nông dân đáp ứng được tiêu chuẩn thì DN phải giữ cam kết thu mua đúng giá, đúng số lượng cho nông dân.
"Để giúp nông dân sản xuất đúng theo yêu cầu Nhà máy thì hệ thống khuyến nông ở các địa phương luôn sẵn sàng trợ giúp nông dân mọi vấn đề kỹ thuật, công nghệ” – ông Lê Quốc Thanh khẳng định.