Dân Việt

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng và 5 Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Quỳnh Nguyễn 02/07/2021 13:33 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Quyết định số 781/QĐ-BNV về việc phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Theo Quyết định nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ.

Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác: Công tác tổ chức, cán bộ; Công tác văn phòng; Công tác thi đua, khen thưởng; Thực hiện nhiệm vụ của Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương theo sự phân công của Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương; Tham gia các Ban Chỉ đạo, Hội đồng: Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Trực tiếp phụ trách các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: BNV)

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực công tác: Công tác kế hoạch, tài chính; Công tác cải cách hành chính; Công tác tổ chức, biên chế; Công tác của Ban Cán sự đảng Bộ theo sự phân công của Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ; Tham gia các Ban Chỉ đạo: Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Phó Trưởng ban xây dựng Đề án vị trí việc làm của hệ thống chính trị; Tham gia các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực công tác được phân công; Bộ trưởng ủy quyền Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa thay mặt Bộ trưởng điều hành công tác của Bộ khi Bộ trưởng vắng mặt từ 02 ngày trở lên; thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

Phụ trách các đơn vị: Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Cải cách hành chính; Vụ Tổ chức - Biên chế và Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực công tác: Công tác chính sách tiền lương; Công tác chính quyền địa phương; Công tác pháp chế; Công tác văn thư, lưu trữ; Tham gia các Ban Chỉ đạo: Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; Tham gia các Ban chỉ đạo khác theo lĩnh vực công tác được phân công phụ trách; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

Phụ trách các đơn vị: Vụ Tiền lương; Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Pháp chế, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực công tác: Công tác tổng hợp; Công tác nghiên cứu khoa học; Chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; Tham gia các Ban Chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tham gia các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực công tác được phân công phụ trách; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

Ông Cường được giao phụ trách các đơn vị: Vụ Tổng hợp; Viện Khoa học Tổ chức nhà nước; Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường. (Ảnh: BNV)

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng giúp Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực công tác: Công tác tôn giáo; Công tác thanh tra; Công tác hội và Tổ chức phi chính phủ; Công tác hợp tác quốc tế; Tham gia các Ban Chỉ đạo, Hội đồng: Thành viên Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền của Chính phủ; Thành viên Hội đồng công tác quần chúng Trung ương; Tham gia các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực công tác được phân công phụ trách; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

Phụ trách các đơn vị: Ban Tôn giáo Chính phủ (trực tiếp điều hành Ban Tôn giáo Chính phủ cho đến khi có Trưởng ban mới được bổ nhiệm); Thanh tra Bộ; Vụ Tổ chức phi chính phủ; Vụ Hợp tác quốc tế.

Tân Thứ trưởng Trương Hải Long giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực công tác: Công tác quản lý đội ngũ công chức, viên chức; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Công tác thanh niên; Công tác thông tin, tuyên truyền; Tham gia các Ban Chỉ đạo, Ủy ban: Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Tham gia các Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực công tác được phân công phụ trách; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

Phụ trách các đơn vị: Vụ Công chức - Viên chức (trực tiếp điều hành Vụ Công chức - Viên chức cho đến khi có Vụ trưởng mới được bổ nhiệm); Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Vụ Công tác thanh niên; Trung tâm Thông tin và Tạp chí Tổ chức nhà nước.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Ảnh 5.

Ông Trương Hải Long mới được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. (Ảnh: BNV)

Về nguyên tắc phân công, thứ nhất, Bộ trưởng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật; lãnh đạo toàn diện và điều hành công tác của Bộ, các Thứ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; chỉ đạo các công việc quan trọng, những vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng phân công các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo, xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng trong từng lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ.

Thứ hai, các Thứ trưởng thực thi nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ trưởng; kịp thời báo cáo, xin ý kiến Bộ trưởng những vấn đề quan trọng; phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến các Thứ trưởng khác, báo cáo Bộ trưởng trong trường hợp có ý kiến khác nhau.

Thứ ba, trong phạm vi các lĩnh vực được phân công, Thứ trưởng có trách nhiệm và quyền hạn thay mặt Bộ trưởng: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng các văn bản, chương trình, đề án, đề tài và các văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Bộ trưởng xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc tình cấp có thẩm quyền ban hành. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiệ các chủ trương, chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách. Chủ trì xử lý những vấn đề cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, xử lý những ý kiến, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng trong phạm vi được phân công. Theo dõi, chỉ đạo, xử lý những vấn đề về công tác nội bộ của các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách.

Thứ tư, các Thứ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực, nhiệm vụ công tác được phân công. Đồng thời, cân chủ động phối hợp giữa các Thứ trưởng để đảm bảo liên thông, đồng bộ, thống nhất giữa các lĩnh vực công tác quản lý nhà nước của Bộ.

Thứ năm, trong trường hợp cần thiết, khi Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực vắng mặt thì Bộ trưởng trực tiếp xử lý công việc hoặc phân công cho Thứ trưởng khác giải quyết.

Thứ sáu, căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng xem xét, điều chỉnh việc phân công công việc của Bộ trưởng và các Thứ trưởng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của Bộ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021, thay thế các văn bản phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Nội vụ trước đây.