Ngày 2/7, trao đổi tại buổi phỏng vấn trực tuyến đại diện Bộ Công an về phương thức quản lý dân cư sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy của báo điện tử VNExpress, Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính - Tư pháp, Bộ Công an cho biết: So với Luật Cư trú 2006 thì Luật Cư trú 2020 có nhiều điểm mới đột phá liên quan đến đời sống người dân cũng như công tác quản lý nhà nước.
Có hai nội dung thể hiện chính sách mới trong quản lý cư trú. Luật Cư trú mới quy định điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh như nhau. Trước đây thì điều kiện đăng ký thường trú vào 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) ngoài các điều kiện như những tỉnh khác còn có thêm là người dân để đăng ký thường trú phải có thời gian tạm trú nhất định liên tục mới được đăng ký hộ khẩu. Ví dụ vào các huyện, xã của các thành phố này phải liên tục tục tạm trú 1 năm trở lên. Còn vào các quận nội thành từ 2 năm trở lên. Riêng quận nội thành Hà Nội phải từ 3 năm trở lên.
"Theo Luật Cư trú 2020 thì đã bỏ điều kiện này, như vậy thì điều kiện đăng ký thường trú các tỉnh, thành như nhau", ông Hưởng nói.
Trên toàn quốc, những người có chỗ ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình thì đủ điều kiện đăng ký thường trú. Những người có chỗ ở do thuê, mượn ở nhờ thì đảm bảo bình quân diện tích mặt sàn theo quy định của HĐND tỉnh, được người cho thuê đồng ý, thì được đăng ký thường trú. Như vậy, người dân chỉ cần một điều kiện là sở hữu chỗ ở hợp pháp và được chủ hộ đồng ý, thì được đăng ký thường trú.
Chính sách thứ hai, tạo điều kiện tốt hơn quyền tự do cư trú của người dân là quyền hiến định. Đó là nếu như trong Luật Cư trú 2006 chỉ có 3 nơi công dân được đăng ký thường trú là nhà ở, nơi đóng của công an, quân đội nhân dân, trên các tàu thuyền phương tiện sử dụng để ở thì luật mới còn bổ sung thêm 4 nơi công dân được đăng ký cư trú là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội, nơi cư trú của người chăm sóc nuôi dưỡng giúp đỡ người cơ nhỡ ngoài cộng đồng và thực tế nơi sinh sống của người không đăng ký thường trú, tạm trú.
Nhóm thứ tư là chính sách rất nhân đạo của luật mới. Trên thực tế có người dân không có nơi tạm trú và thường trú, lâm vào tình trạng vô gia cư. Trong tình trạng như vậy thì những thủ tục hành chính, giao dịch dân sự liên quan cư trú của họ không có thông tin. Luật Cư trú quy định những người này thì nơi cư trú của họ là nơi thực tế họ đang sống. Họ khai báo, cơ quan quản lý xác minh, cập nhật thông tin của họ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú. Đó là chính sách tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân.
Đại tá Đỗ Khắc Hưởng cũng cho biết, về thủ tục có 2 điều rất tiến bộ và tạo điều kiện cho người dân.
Luật mới thay đổi phương thức quản lý cư trú từ thủ công bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở kết nối chia sẻ thông tin về hai dữ liệu này. Bằng cơ sở dữ liệu hiện đại sẽ tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục hành chính và giao dịch dân sự thì không phải đem theo giấy tờ như trước nữa, mà dùng mã định danh cá nhân để truy cập vào các cơ sở dữ liệu lưu trữ về lưu trú để sử dụng. Đó là điều tốt thuận lợi cho người dân.
Liên quan thủ tục, với phương thức quản lý cư trú mới thì luật mới bỏ một số thủ tục mang tính thủ công. Luật mới đã bỏ sáu thủ tục hành chính và đơn giản hóa 12 thủ tục liên quan, tạo điều kiện tối đa cho người dân trong đăng ký cư trú.
Về việc nhiều người đặt ra lo ngại xảy ra tình trạng khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân của người dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để sử dụng vào những việc không tốt, Đại tá Đỗ Khắc Hưởng khẳng định không có chuyện này xảy ra.
"Không thể có chuyện người khác có thể khai thác mà chỉ có người có thẩm quyền, điều này pháp luật đã quy định cụ thể nên người dân có thể yên tâm.
Một là đảm bảo an ninh, thứ hải đảm bảo chính xác, thứ ba là luôn luôn sẵn sàng phục vụ người dân khi người dân cần sử dụng thông tin của mình", Đại tá Hưởng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.