Gia đình ông Nguyễn Nam Lộc, thôn Phú Mỹ, xã Hồng Lý (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) hiện có 6 sào hòe. Sau 7 - 8 năm trồng, đến nay hòe của gia đình ông ở thời kỳ cho hoa tốt, năng suất đạt 100 - 120kg hòe/sào/năm. Năm 2020, gia đình ông thu được 7 tạ hòe, bán giá trung bình 70.000 đồng/kg, thu về gần 50 triệu đồng.
Không riêng gia đình ông Lộc, thôn Phú Mỹ có 240 hộ thì có đến 220 hộ trồng hòe. Thôn hiện có 44ha hòe, chiếm 67% diện tích đất nông nghiệp.
Ông Vũ Thế Hoàng, Trưởng thôn Phú Mỹ cho biết: Bà con trong thôn trồng cây hòe phủ kín diện tích đất bãi, đất ruộng vàn cao, với giống hòe xanh, cho năng suất, chất lượng cao. Với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg thì cây hòe cho thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/sào.
Với những năm cao điểm, giá hoa hòe đạt 180.000 - 200.000 đồng/kg, nông dân Hồng Lý ví hái hòe như hái vàng. Năm thấp nhất, giá hòe 30.000 - 40.000 đồng/kg, tính ra 1 sào hòe 3 - 4 triệu đồng/năm; tuy thấp nhưng so với cấy lúa thì giá hòe vẫn cho hiệu quả bằng cấy lúa, trồng màu.
Vì vậy bà con trong thôn, trong xã vẫn kiên trì duy trì ổn định diện tích trồng cây hòe. Năm nay, giá hoa hòe tăng mạnh, nông dân phấn khởi chăm sóc tốt cây hòe từ đầu vụ, hiện hòe đang bắt đầu cho thu hoạch rộ.
Những hộ có diện tích hòe lớn, từ 1 - 2,5 mẫu/hộ như gia đình ông Cường, ông Tình, ông Hoàng...dự kiến thu về từ 100 - 300 triệu đồng/vụ hòe.
Đối với thôn Phú Mỹ, còn khoảng 3ha diện tích ruộng nằm trong quy hoạch cánh đồng lớn, tuy nhiên đây là ruộng vàn cao, khó sản xuất lúa và cho hiệu quả thấp, bà con rất mong được chuyển đổi sang trồng hòe để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cây hòe được nông dân ở cả 2 HTXNN Tam Tỉnh và Hồng Xuân (xã Hồng Lý) đưa vào trồng từ năm 2013, 2014. Trong đó, HTXNN Tam Tỉnh có 120ha hòe, HTXNN Hồng Xuân có 50ha hòe.
Bà Trần Thị Phượng, Giám đốc HTXNN Tam Tỉnh cho biết: Trên vùng đất bãi, trước kia nông dân trồng ngô, đậu đỗ cho hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con trồng nhiều loại cây ăn trái, cây dược liệu, trong đó phổ biến nhất là cây hòe vì hòe không đòi hỏi nhiều vốn, kỹ thuật và công chăm sóc như các loại cây khác.
Hiệu quả kinh tế của cây hòe phụ thuộc vào giá hòe trên thị trường nhưng tối thiểu là bằng cấy lúa, đậu đỗ, ngô; trung bình cho hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần cấy lúa, trồng ngô.
Ngoài ra, bà con có thêm nguồn thu bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/sào từ các loại rau màu, đậu đỗ trồng xen trên đất hòe. Vì vậy, trải qua nhiều lần thăng trầm giá bán, kể cả những đợt giảm kịch sàn, người dân Hồng Lý vẫn kiên trì không phá bỏ cây hòe.
Hiện nay, nông dân địa phương đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hòe. Trước kia, bà con trồng hòe cây cao, khó thu hái bông. Những năm gần đây, sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân đốn cành, tạo giống “hòe lùn” thuận lợi cho khâu thu hoạch. Hiện 100% hộ dân đã đầu tư máy tuốt hoa hòe; xã có 3 hộ đầu tư máy sấy hoa hòe, vừa sấy hoa hòe của gia đình vừa triển khai dịch vụ sấy hòe phục vụ nông dân, sản phẩm hòe sau thu hoạch được bảo quản tốt, giảm rủi ro, thiệt hại so với trước kia.
Từ vụ hoa hòe năm 2020 đến nay, hoa hòe tăng giá, đạt từ 70.000 đồng/kg trở lên, nông dân xã Hồng Lý phấn khởi, thêm vững tin duy trì cây dược liệu này. Sau 8 năm mạnh dạn chuyển đổi, cuộc sống của nông dân xã Hồng Lý đổi thay rõ rệt nhờ cây hòe. Mặc dù vậy, trăn trở lớn nhất hiện nay của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng Lý (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là giá bán hòe chưa ổn định, do đó bà con nông dân cần thận trọng, tránh ồ ạt mở rộng diện tích trồng hòe.