Chuyện lạ Đồng Nai: Các "quan chức" thôn xung phong đi...nhặt rác

Đoàn Phú Thứ sáu, ngày 07/06/2019 07:00 AM (GMT+7)
Trước tình trạng rác thải sinh hoạt còn vứt bừa bãi, mạng lưới thu gom rác chưa phủ khắp đến từng hộ dân trong ấp, chính quyền xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân tổ chức dịch vụ thu gom rác nhưng nhiều người “lắc đầu” vì lợi nhuận từ công việc này không cao lại vất vả. Để giải quyết bài toán môi trường cho ấp, Trưởng ấp Bình Lục Lê Văn Tám và Phó trưởng ấp Bình Phước Bùi Công Khanh đã xung phong đi thu gom rác.
Bình luận 0

Trưởng ấp Bình Lục Lê Văn Tám cho biết, khi chính quyền địa phương giao nhiệm vụ cho các ấp vận động, thuyết phục hoặc tự tổ chức mô hình thu gom rác tại địa bàn, khu dân cư nơi địa bàn mình quản lý, ông đã xung phong nhận nhiệm vụ này vì trách nhiệm với cộng đồng dân cư.

Xung phong vì trách nhiệm

“Không thể để các tuyến đường trong tổ, hẻm cụt của ấp tràn ngập rác thải ứ đọng, gây mất vệ sinh môi trường do không có người đứng ra thu gom hoặc một tuần mới thu gom một lần nên tôi nhận luôn nhiệm vụ thu gom rác thải sinh hoạt trong ấp” - ông Tám nói.

img

Trưởng ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) Lê Văn Tám kiểm tra xe ba gác chuẩn bị cho ngày thu gom rác hôm sau. Ảnh: Đ.PHÚ

Ông Tám vận động ông Nguyễn Thành Giang (người dân trong ấp) cùng ông thành lập Tổ thu gom rác ấp Bình Lục vào tháng 5-2012. Cả hai đã bỏ ra gần 30 triệu đồng mua chiếc xe ba gác cũ về sửa lại, tổ chức thu gom rác tại các hộ dân vào các ngày thứ hai, tư, bảy trong tuần.

Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) Thái Tam Sơn ghi nhận công việc thầm lặng, ý nghĩa của Trưởng ấp Bình Lục Lê Văn Tám và Phó trưởng ấp Bình Phước Bùi Công Khanh trong việc xung phong làm những việc khó, giúp địa phương tháo gỡ được khó khăn trong việc thu gom rác thải ở tận các ngõ, ngách từng ấp, tổ giúp đường sá sạch đẹp hơn, giảm bức xúc của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, tại địa bàn ấp Bình Phước, Phó trưởng ấp Bùi Công Khanh tự sắm chiếc xe ba gác trị giá gần 50 triệu đồng và cùng với anh trai của ông Khanh đứng ra thành lập Tổ thu gom rác ấp Bình Phước, thu gom rác thải tại địa bàn 2 ấp Bình Phước, Bình Ý (xã Tân Bình) vào các ngày thứ hai, tư, sáu và chủ nhật trong tuần.

Ông Khanh bộc bạch, rác thải sinh hoạt trong các tổ, ấp ngày một nhiều. Nếu để rác ứ đọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, mỹ quan chung, ảnh hưởng đến tiêu chí tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của xã Tân Bình. Không thể để tình trạng này kéo dài nên ông đứng ra đảm nhiệm chứ nguồn thu từ việc làm này không cao, lại khá vất vả.

 “Khi người dân 2 ấp Bình Phước, Bình Ý đăng ký nộp tiền thu gom rác ngày một đông, tôi phải triển khai thu gom hằng ngày và vào tận các con hẻm cụt để thu gom nên chi phí đội lên nhiều hơn. Tôi và các thành viên trong tổ phải chia nhau đi thu gom rác hằng ngày, dù thu nhập không cao nhưng tụi tui không ngại nắng mưa đi thu gom rác đúng giờ, không để rác ứ đọng lâu” - ông Khanh cho biết.

Tương tự, ông Tám cho hay số tiền thu được từ dân, sau khi trích nộp 3 khoản (trả công cho 10 người thu tiền, phí bảo vệ môi trường, phí cho đơn vị thu gom xử lý 15%) và đổ xăng, mỗi tháng các thành viên trong tổ được chia lợi nhuận 3,5 triệu đồng/người. “Tháng nào phải bảo dưỡng xe hoặc xe hư hỏng thì tụi tui làm không công. Tuy vậy, tụi tui vẫn thấy vui vì giải quyết được bài toán thu gom rác thải sinh hoạt tại ấp đạt trên 90%” - ông Tám nói.

Nỗ lực duy trì

Trưởng ấp Bình Lục Lê Văn Tám có nhà máy xay xát lúa nhỏ, 8 sào bưởi nên ngoài công việc của ấp và thu gom rác, ông phải dành thời gian phụ vợ lo kinh tế gia đình. Thấy công việc ấp của chồng quá bận rộn, hết lên UBND xã hội họp lại đến gặp dân triển khai, vận động, bà Tám đã đôi lần khuyên chồng tìm người khác chuyển giao công việc thu gom rác thải sinh hoạt nhưng ông Tám không đồng ý.

“Giờ bỏ thì ai làm. Rác lại ngập đường, ấp không thể đạt tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp cùng nông thôn mới được” - ông Tám, người có gần 40 năm gắn bó với phong trào ở ấp Bình Lục tâm sự.

img

Nhờ Tổ thu gom rác ấp Bình Phước, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) do ông Bùi Công Khanh thành lập mà hơn 1 ngàn hộ dân của 2 ấp Bình Phước, Bình Ý không bị ứ đọng rác thải sinh hoạt

Trong khi đó, Phó trưởng ấp Bình Phước Bùi Công Khanh dù kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng ông vẫn duy trì việc thu gom rác thải sinh hoạt không vì lợi nhuận mà vì công việc này chưa ai đứng ra thay ông làm. Hơn nữa, việc thu gom rác ngày một nhiều, phải tổ chức thu gom trong ngày, nếu không có ai đứng ra tổ chức thu gom thì dân kêu ca, bức xúc ảnh hưởng tới thi đua của ấp.

Do đó, hơn 10 năm nay hằng ngày, anh em ông Khanh vẫn thay phiên nhau chạy xe ba gác thu gom rác thải sinh hoạt của hơn 1 ngàn hộ dân ở 2 ấp Bình Phước, Bình Ý. Các bãi rác tự phát ven đường cũng được 2 ông thu gom sạch sẽ.

“Phí thu gom 22 ngàn đồng/hộ/tháng, vậy mà vẫn còn hộ không đóng phí, đổ trộm rác ra đường. Nếu không dọn thì ảnh hưởng mỹ quan chung, khi dọn thì chúng tôi phải mất nhiều công sức hơn” - ông Khanh cho biết.

Ông Huỳnh Ngọc Mai, Trưởng ấp Bình Phước nhận xét, tuy kinh tế gia đình của ông Khanh còn khó khăn nhưng vẫn tham gia công việc của ấp rất nhiệt tình, làm việc trách nhiệm, nhiệt huyết. Công việc thu gom rác thải sinh hoạt vốn vất vả, cực nhọc, thu nhập thấp nên không có người đứng ra nhận làm, nếu ông Khanh không làm thì các tuyến đường trong ấp cũng không sạch đẹp như ngày hôm nay.

Nhiều người dân ở các ấp Bình Lục, Bình Phước, Bình Ý đều công nhận từ khi 2 tổ thu gom rác sinh hoạt của ông Tám và ông Khanh đi vào hoạt động, rác thải trong các ngõ ngách ở khu dân cư 3 ấp được thu gom sạch sẽ, đường nông thôn nhờ đó đó giữ vững các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp nên bà con ai cũng phấn khởi, không còn “khó chịu” bởi tình trạng rác thải ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường như trước đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem