Vùng biển này đã trở thành địa điểm mới của cuộc đối đầu giữa hai bên, không chỉ về chính trị và pháp lý mà còn cả về quân sự và an ninh.
Đầu tiên là việc phía Nga dùng máy bay ném bom và nổ súng để buộc một chiếc tàu chiến của Anh phải ra khỏi vùng biển mà phía Nga coi là phạm vi lãnh hải của Nga trong khi phía Anh nhìn nhận đấy là vùng biển thuộc về Ukraine. Nguyên do có liên quan đến Crimea. Thời bán đảo này còn thuộc về Ukraine thì phía Anh có lý. Nhưng từ sau khi Nga tiếp nhận Crimea năm 2014 thì phía Nga coi đấy là vùng lãnh hải của Nga. Sau đấy là việc Nga và Nato đều tập trận ở nơi này. Với lý do tiến hành tập trận chung giữa NATO và Ukraine, phía NATO đã tập trung và triển khai nhiều tàu chiến, máy bay và binh lính ở khu vực Biển Đen, sát bán đảo Crimea. Hà Lan còn cáo buộc Nga mô phỏng tấn công thật sự nhằm vào tầu chiến của Hà Lan. Mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây hiện không được tốt đẹp và NATO coi Nga là địch thủ. Nhưng ở vùng Biển Đen xưa nay chưa khi nào căng thẳng và gay cấn đến như vậy giữa hai bên. Những động thái mới này càng đáng được chú ý vì chỉ ngay trước đấy Nato có cuộc gặp cấp cao với sự tham dự của tân tổng thống Mỹ Joe Biden và có cuộc gặp gỡ giữa ông Biden với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thuỵ Sỹ. Nhìn vào đó có thể thấy phía Nato lần này chủ động gây chuyện với Nga ở khu vực Biển Đen và phía Nga buộc phải phản ứng mạnh mẽ.
Sau khi Nga tiếp nhận Crimea, cục diện chính trị an ninh ở vùng Biển Đen đã thay đổi cơ bản theo hướng có lợi cho Nga và bất lợi cho Ukraine và NATO. Vấn đề đặt ra cho NATO là vừa phải hậu thuẫn thiết thực Ukraine vừa ứng phó hiệu quả Nga ở vùng Biển Đen. Với chủ trương đưa "Nước Mỹ trở lại với thế giới" và cứng rắn với Nga của ông Biden, NATO như thế được hồi sinh và tìm lại được sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong đối phó Nga. Răn đe Nga về quân sự và an ninh kết hợp với cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại trong khi chưa sẵn sàng kết nạp Ukraine vào NATO và EU là cách thức rất hữu dụng của Phương Tây nhằm chống lưng cho Ukraine trong quan hệ của nước này với Nga.
Cho tới nay, tăng cường triển khai binh lính và vũ khí cũng như tiến hành tập trận chung ở những nước thành viên NATO trong khu vực láng giềng của Nga thường vẫn được Nato liên tục thực hiện. Nhưng hiện tại, Nato chủ ý khiêu khích Nga ở vùng Biển Đen nhằm nhiều mục đích khác nhau. Nato muốn trấn an Ukraine và răn đe Nga. Nato muốn thử mức độ phản ứng của Nga sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin. NATO muốn thể hiện là ông Biden đưa nước Mỹ trở lại với thế giới thì NATO cũng thời sự hoá mọi vấn đề mắc mớ lâu nay giữa NATO và Nga. Thông điệp của NATO là nếu như không được Nga đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi và điều kiện đã đưa ra liên quan đến Ukraine và Crimea, đến tình trạng dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Nga, đến sự cảm nhận của NATO là bị Nga thách thức và đe doạ về an ninh thì NATO sẽ làm cho Nga càng ngày càng thêm khó khăn và khó xử trên mọi phương diện và sẽ phải đương đầu với NATO tại những vùng chiến địa mới.
Trong bối cảnh tình hình chung như thế, hành động và thái độ của Anh và Hà Lan đối với Nga không có gì là khó hiểu. Cả hai thành viên NATO này đều thuộc diện theo đuổi chính sách cứng rắn nhất, nếu như không muốn nói là thù địch nhất, đối với Nga. Họ lại đều cách xa Nga về địa lý và do vậy không ngại bị Nga trả đũa như đối với các thành viên NATO ở vùng láng giềng của Nga.
Những gì xảy ra giữa Nga và NATO ở vùng Biển Đen báo hiệu triển vọng chẳng tốt đẹp gì cho mối quan hệ giữa Mỹ, EU và Nato với Nga trong thời gian tới. Chúng đồng thời còn tạo cơ sở xác đáng cho dự báo là cả mối quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng như giữa Nga và Ukraine cũng sẽ tương tự như vậy.