Dân Việt

Dịch Covid-19 ở TP.HCM: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Bạch Dương 10/07/2021 06:07 GMT+7
Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 này, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về gói hỗ trợ thứ 2 cho người dân thành phố với tổng kinh phí khoảng 886 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ thứ nhất, lần này gói hỗ trợ mở rộng đối tượng được thụ hưởng ra nhiều hơn, đặc biệt là những người lao động tự do lên đến 230.000 người.

Trong 7 ngày phải giải ngân tiền hỗ trợ

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  (LĐTBXH) TP.HCM, cho biết theo thống kê ban đầu sẽ có khoảng 230.000 lao động tự do nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, gồm cả những người thuộc diện thường trú, hoặc đăng ký tạm trú.

Ông Tấn cho biết thêm, về thủ tục nhận hỗ trợ, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì chủ doanh nghiệp sẽ lập danh sách gửi đến cơ quan BHXH nơi doanh nghiệp trú đóng. Sau đó, BHXH sẽ đối chiếu, xác nhận và chuyển về các phòng LĐTBXH để trình cho Chủ tịch UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức quyết định hỗ trợ.

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Người vô gia cư tại TP.HCM rất cần sớm nhận được hỗ trợ. Ảnh: B.D

Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng", rất nhiều người nghèo đã thực sự kiệt sức, không thể trụ thêm được nữa thì một sự tiếp sức từ chính quyền, từ cộng đồng xã hội là điều trân quý, giúp họ không bị "bỏ lại phía sau".

Đối với người lao động tự do, Sở LĐTBXH hướng dẫn chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên dưởng phố, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ, xe ôm, bán lẻ vé số lưu động… thì sẽ do tổ dân phố, tổ trưởng nơi cư trú lập danh sách gửi lên phường, xã, thị trấn để hội đồng xét duyệt. Tiếp đó, danh sách này được gửi lên UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức phê duyệt và chuyển ngược lại cho phường, xã và thị trấn để chi hỗ trợ người dân.

Nhóm người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, điểm kinh doanh thì chủ cơ sở lập danh sách gửi về phường, xã để được xét duyệt. Riêng các hộ kinh doanh cá thể tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) và các khu vực bị phong tỏa, cơ quan thuế sẽ lập danh sách theo mã số thuế từng hộ để chi hỗ trợ.

Đối với mức hỗ trợ cụ thể, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1,8 triệu đồng…

Về thời gian thực hiện, ông Tấn cho biết chính quyền địa phương, chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm lập danh sách người lao động theo mẫu, gửi cơ quan có liên quan trước ngày 15/7.

"Chúng tôi quy định tất cả cơ quan khi tiếp nhận hồ sơ thì trong 7 ngày phải có kết quả danh sách được phê duyệt và không được phê duyệt. Khi duyệt thì chi trả ngay, còn không đủ điều kiện phải phản hồi cho người dân" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Lãnh đạo UBND thành phố cho biết, với nỗ lực "không ai bị bỏ lại phía sau", những người thuộc lao động tự do đa số không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội cũng được nhận hỗ trợ lần này.

Đó là những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM như tại các tụ điểm, khu vui chơi, trung tâm nhà hàng tiệc cưới; tại các di tích, bảo tàng; phố đi bộ, công viên... Những người này nếu không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM thì cần phải có xác nhận cư trú của công an khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân nghèo không có nơi ở cố định, không được xác nhân cư trú của địa phương. Họ cũng rất cần được hỗ trợ, sẻ chia trong giai đoạn vô cùng khó khăn này.

Theo TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Quốc gia TP.HCM), ngoài các gói hỗ trợ của chính phủ, của thành phố, rất cần sự góp sức của các tổ chức thiện nguyện, đoàn thể, thanh niên tình nguyện… Cách trợ giúp không chỉ là tiền mặt mà có thể là thực phẩm, đồ ăn, có thể biến thành gạo cho các cây ATM, thành suất ăn thiện nguyện... Sự linh hoạt, cơ động ấy có thể có sơ suất, nhưng số người thụ hưởng nhiều hơn, nhanh hơn. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"