Kiên quyết “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Nguyệt Tạ (thực hiện) Thứ hai, ngày 13/04/2020 06:05 AM (GMT+7)
Để hiểu hơn về cách thức triển khai, biện pháp giám sát thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ, PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bình luận 0

Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ an sinh này?

- Đây là gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ của Chính phủ, nhằm giúp người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Gói hỗ trợ này vượt qua giới hạn quy định thông thường về kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách khi mà đất nước còn khó khăn. Các cơ quan quản lý đã có đề xuất, thảo luận nhanh nhất để ban hành nghị quyết này.

Về nội dung của gói hỗ trợ, tôi cho rằng rất toàn diện, nó thể hiện được vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Qua đó, góp phần thể hiện chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam, hướng tới thực hiện mục tiêu kép. Tức là vừa góp phần thực hiện phòng, chống dịch, nhưng phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân với quan điểm là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

img

Công nhân làm việc tại một công ty may ở Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
 (ảnh Hữu Trung)

Theo nghị quyết, có tới 7 nhóm đối tượng sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên các địa phương vấn đang rà soát đối tượng để có căn cứ thực hiện. Theo ông cần làm gì để việc rà soát này chính xác, minh bạch?

- Theo nghị quyết sẽ có 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Các nhóm đối tượng như người có công, người nghèo, người bảo trợ, đối tượng là lao động có hợp đồng thì tương đối dễ rà soát. Vấn đề quan trọng ở đây là nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động, bị mất việc làm thì sẽ rà soát thế nào. Nhóm này chủ yếu rơi vào nhóm lao động tự do, không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng thu nhập phải thấp hơn chuẩn nghèo quốc gia, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh thì mới được nhận sự hỗ trợ.

Để rà soát nhóm này, địa phương cần căn cứ vào hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú từ 3 tháng trở lên tại nơi ở. Đặc biệt phải xác định cho được nhóm lao động thuộc những công việc như: Bán hàng rong; thu gom rác, ve chai; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; làm giúp việc gia đình, xe ôm, xích lô, người bán vé số lưu động... đặc biệt là người làm việc tại các cơ sở dịch vụ lưu trú nhà hàng, khách sạn; người làm nghề chăm sóc sắc đẹp bao gồm cắt tóc gội đầu, uốn sấy, làm móng...

Ngoài các đối tượng ở trên, thì chính quyền địa phương cần xem xét thêm nhóm đối tượng là người địa phương không có thu nhập để đảm bảo mức sống tối thiểu trong dịch Covid-19. Địa phương cần phải chủ động xác định để tránh bỏ sót đối tượng.

Trong trường hợp các đối tượng trong diện hỗ trợ mà không được thống kê thì cần làm gì, thưa ông?

- Người dân nếu xét thấy mình thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ mà chưa được thống kê lên danh sách thì cần phải báo cáo với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương (lao động tự do, đối tượng bảo trợ; người nghèo; người có công), hoặc với doanh nghiệp nếu là lao động có hợp đồng để được rà soát bổ sung kịp thời. Đồng thời các đối tượng cũng cần thực hiện theo dõi, giám sát việc thực hiện xem có đầy đủ, kịp thời hay không.

Việc thực hiện nghị quyết, rà soát đối tượng đã được triển khai, nhưng vẫn chậm. Vậy theo ông cần phải làm gì để triển khai nhanh nhất nghị quyết này để tiền sớm về tay đối tượng chịu tác động?

- Nghị quyết đã quy định rất cụ thể các nhóm đối tượng được hỗ trợ, cơ chế thực hiện, phân bổ ngân sách... vấn đề bây giờ là sự vào cuộc và trách nhiệm của các địa phương. Các địa phương cần nhanh chóng lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách để báo cáo thực hiện bố trí hỗ trợ. Điều này cần các địa phương cần làm quyết liệt, kịp thời, chính xác để tránh trường hợp trục lợi chính sách.

Vậy ông có lưu ý gì cho các địa phương trong quá trình thực hiện nghị quyết, để việc thực hiện được kịp thời, hiệu quả, minh bạch?

- Ngoài việc gấp rút phân loại, rà soát đối tượng để triển khai hỗ trợ thì các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương cũng cần phải thực hiện sự giám sát. Theo đó kêu gọi sự tham gia giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thế xã hội vào thực hiện cùng. Khi lập danh sách xong địa phương nên công khai để nhân dân giám sát. Từ đó xem xét tính chính xác của các đối tượng, nếu sai sót, gạt tên ngay. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước thì phải tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm.

Quan điểm là việc thực hiện gói chính sách hỗ trợ an sinh phải kịp thời; chính xác; công bằng; công khai; minh bạch, không được gây mâu thuẫn, thắc mắc hay khiếu kiện trong nhân dân. Thông qua vấn đề này phải thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ của người dân Việt Nam, đồng thời tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc thực hiện chính sách an sinh - xã hội, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Xin cảm ơn ông!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem