Nhằm triển khai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh dịch Covdi-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ngày 29/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (Nghị quyết 63).
Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp...
Cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng
Triển khai Nghị quyết 63 của Chính phủ, NHNN vừa tổ chức họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.
Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn.
Theo Phó Thống đốc, Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó, ngành Ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua.
Tiêu biểu như việc NHNN đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…
Song, cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm.
Vì vậy, năm 2021 này vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với các đại biểu tham dự, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hòa song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng TCTD nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.
Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Với tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là Nghị quyết 63 cũng như một số văn bản gần đây, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp, người dân từ khi dịch bùng phát tới nay, vào thời điểm này, toàn hệ thống ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân ở mức độ cao hơn, tương đồng với những khó khăn tăng lên của nền kinh tế.
"Việc triển khai này trong toàn Ngành là rất cần thiết, phù hợp với chính sách và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cũng là mong muốn của ngành Ngân hàng", Phó Thống đốc khẳng định.
Phó Thống đốc cũng củng cố quan điểm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất.
Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia.
Hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội bằng những hành động cụ thể, chương trình hành động cụ thể, sẽ được Thống đốc NHNN ban hành trong thời gian tới với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn Ngành triển khai thực hiện.
Đồng thời, giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.
Với các đơn vị thuộc NHNN, Phó Thống đốc đề nghị khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ để trình Thống đốc ký ban hành.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin thời gian qua nhiều ngân hàng đã và đang tiếp tục công bố các gói, chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng ổn định, duy trì hoạt động sản xuất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.
Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vẫn kỳ vọng các ngân hàng hỗ trợ mạnh hơn nữa trong giai đoạn khó khăn này, trong đó không ít doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được vay vốn ở ngưỡng thấp, thậm chí 0%.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực du lịch, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) cho hay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Bởi từ khi Covid-19 xảy ra, Nha Trang vắng bóng khách du lịch, 95% khách sạn đóng cửa, 5% còn lại hoạt động chủ yếu là đăng ký làm cơ sở cách ly. Tình cảnh của hầu hết doanh nghiệp du lịch rất bi đát.
"Với tình hình hiện tại, các doanh nhân là chủ công ty du lịch đều có khả năng biến thành con nợ. Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 tiếp cận vốn vay không lãi suất, được khoanh nợ, giảm lãi với khoản vay hiện hữu", ông Vinh đề xuất.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu xuống 2%, trong thời gian hỗ trợ lên đến 24 tháng, vì doanh thu của doanh nghiệp giảm rất mạnh. Đồng thời, hỗ trợ tỷ lệ kí quỹ, giảm chi phí thanh toán xuất khẩu, hỗ trợ kéo dài vay vốn lưu động, điều chỉnh thời gian trả nợ...