Thanh khoản co hẹp 190 nghìn tỷ, bất ngờ với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng

H.Anh Thứ sáu, ngày 09/07/2021 08:32 AM (GMT+7)
Đối với ngân hàng quy mô lớn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,04 điểm % và 0,03 điểm % xuống còn 4,66/năm% và 5,5%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay. Dự báo, lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì mức thấp cho tới cuối năm dù thanh khoản hệ thống đã bị thu hẹp 190 nghìn tỷ đồng.
Bình luận 0

Trong tháng 5, nhiều ngân hàng "âm thầm" điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, kéo theo đó lãi suất tiết kiệm trung bình tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,02 - 0,03% đối với cả 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng.

Đáng chú ý, diễn biến tăng lãi suất huy động VND chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng có vốn hóa nhỏ (quy mô dưới 5.000 tỷ đồng), với mức tăng 0,06% ở cả 2 loại kỳ hạn.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng tại nhiều ngân hàng xuống mức thấp nhất kể từ 2017

Tuy nhiên, bước sang tháng 6 lãi suất tiết kiệm trung bình bất ngờ ghi nhận diễn biến giảm nhẹ đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 28/6 đến 2/7, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trung bình lãi suất tiết kiệm hai kỳ hạn này của các ngân hàng giảm lần lượt 0,02 điểm % và 0,03 điểm % xuống 4,82%/năm và 5,61%/năm vào cuối tháng 6.

Sự điều chỉnh diễn ra tại cả nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng TMCP nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng).

Thanh khoản co hẹp 190 nghìn tỷ, bất ngờ với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng - Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm trung bình có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 6/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Đối với ngân hàng TMCP quy mô lớn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,04 điểm % và 0,03 điểm % xuống còn 4,66/năm% và 5,5%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.

Tương tự, đối với ngân hàng TMCP quy mô nhỏ có vốn dưới 5.000 tỷ đồng, lãi suất tiết kiệm của hai kỳ hạn này giảm lần lượt 0,03 điểm % và 0,04 điểm % xuống còn 5,37%/năm và 5,98%/năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong quý II/2021.

Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với kỳ hạn 12 tháng trong tháng thứ 4 liên tiếp, trung bình ở mức 5%/năm và tăng 0,05 điểm % đối với kỳ hạn 6 tháng, lên mức 3,775%/năm.

Thống kê cho thấy, với kỳ hạn 6 tháng lãi suất tiết kiệm thấp nhất và cao nhất hiện đang vẫn đang được áp dụng ở mức 3,7%/năm và 6,05%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất thấp nhất tiếp tục ở mức 4,6%/năm và cao nhất là 6,9%/năm.

Như vậy, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng trong tháng 6/2021 cùng tiếp tục giảm 17 đến 20% so với mặt bằng cùng kỳ năm trước.

Thanh khoản hệ thống bị thu hẹp 190 nghìn tỷ, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng hay giảm?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm (tính đến 21/6), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%. Cùng kỳ năm ngoái, huy động vốn tăng tới 4,35% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 2,45%.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm hơn 500.000 tỷ đã được vay từ hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn tiết kiệm đạt khoảng 310.000 tỷ. Do đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bị thu hẹp khoảng 190.000 tỷ.

Thanh khoản co hẹp 190 nghìn tỷ, bất ngờ với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng - Ảnh 3.

Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ không còn dư thừa nhiều như trong năm trước. (Ảnh: Cafef)

Tuy nhiên, trước các diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp. Do đó, lãi suất tiết kiệm dự báo vẫn sẽ giữ ở mặt bằng thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2020.

Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng, có 2 tín hiệu cần quan tâm để biết xu hướng lãi suất thời gian tới.

Một là quá trình hồi phục hồi nền kinh tế đã đủ mạnh hay còn nhiều rủi ro phía trước? Hai là diễn biến của lạm phát, nếu tăng nhanh có thể hạn chế sự nới lỏng tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước coi mục tiêu hỗ trợ cho nền kinh tế là trọng yếu, làm sao để hạn chế ít nhất sự đổ vỡ, rút khỏi thị trường của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất ổn định, cùng với đó nỗ lực giảm lãi suất bằng cách yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí tối đa, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Thành, tuy tốc độ huy động tiền gửi tăng thấp hơn tốc độ cho vay nhưng thanh khoản hệ thống vẫn khá dồi dào nên về ngắn hạn lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, trong dài hạn, khi dòng tiền đổ nhiều hơn vào chứng khoán và các thị trường khác, tăng trưởng huy động chậm hơn có thể ảnh hưởng ít nhiều tới thanh khoản các nhà băng. Điều này thể hiện ở thực tế một số ngân hàng, ở một vài thời đã tăng lãi suất nhưng không quá áp lực.

TS Võ Trí Thành dự báo, lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp một phần do lạm phát tăng nhưng trong tầm kiểm soát. Cùng với đó cách điều hành công cụ tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể được kiểm soát tốt, uyển chuyển. Cộng với việc tỷ giá VND/USD được dự báo ổn định là những yếu tố hỗ trợ duy trì lãi suất ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mức thấp từ nay tới cuối năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem